📞

New York không còn là ác mộng bạo lực...

18:09 | 31/01/2018
Từ một thành phố nổi tiếng với tỷ lệ tội phạm cao, New York giờ đây đã đạt được nhiều bước tiến rõ rệt trong việc đảm bảo an toàn cho dân chúng.

Là thành phố đông dân nhất ở Mỹ với 9 triệu người, New York đã nhiều năm liền đối mặt với sự hoành hành của các băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp mới, tình hình an ninh tại đây đang cải thiện rõ rệt.

Theo số liệu chính thức, năm 2017 tại New York xảy ra 290 vụ giết người, con số thấp nhất kể từ năm 1951. So với năm 2016, các vụ giết người ở New York giảm 13,5%. Tỷ lệ giết người vào năm 2017 là 3,4/10.000, một sự tiến bộ rõ rệt so với con số 30,7 trong năm 1990.

Thị trưởng Bill de Blasio nhận định: “Chẳng ai có thể tin được rằng New York có ít hơn 300 vụ giết người trong 1 tháng”. Còn cảnh sát trưởng James O'Neill thì cho biết: “New York không còn là ác mộng về bạo lực mà chúng ta từng xem trên TV hay báo chí”. Sở dĩ bạo lực tại New York giảm mạnh là nhờ nhiều yếu tố sau.

Tăng số lượng cảnh sát

Giữa những năm 1990 và 2000, số cảnh sát tại New York đã tăng thêm 35%, đạt con số 53.000, cao kỷ lục trên toàn nước Mỹ. Điều này đã tạo ra sự khác biệt trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chống ma túy.

Sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 vào Trung tâm Thương mại Thế giới, New York đã tiến hành tăng số lượng cảnh sát làm nhiệm vụ chống khủng bố trong thành phố, giảm số lượng quan chức cảnh sát chống tội phạm trên đường phố.

Lực lượng cảnh sát tại New York đã được bổ sung đáng kể trong thời gian qua. (Nguồn: Getty)

Công nghệ giám sát mới

Trên thực tế, một số lượng lớn cảnh sát trên các đường phố chưa chắc đã giảm được tội phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp ở New York, việc này cần được đi kèm với những cập nhật về công nghệ. Từ năm 1994, thành phố được trang bị hệ thống máy tính CompStat để cảnh sát trưởng biết được nơi đang triển khai lực lượng, nơi xảy ra tội ác và những yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai chống tội phạm. Tiếp theo thành công của New York, các thành phố khác của Mỹ cũng theo gương, dù kết quả thu được không giống nhau.

Sự ra đời của điện thoại di động và điện thoại thông minh cũng được tận dụng triệt để. Mọi người có thể gọi điện hoặc ghi hình bằng video những trường hợp nghi phạm tội và gửi ngay cho cảnh sát.

Gần đây, để hiện đại hoá lực lượng cảnh sát, thành phố còn kết hợp nhiều công nghệ tiên tiến khác như trang bị phương tiện ShotSpotter nhằm phát hiện đạn bắn, các vụ nổ bằng hệ thống cảm ứng đặc biệt.

Các camera an ninh và công nghệ khác góp phần làm tăng giám sát an ninh tại New York. (Nguồn: Getty)

Thay đổi chiến thuật giám sát

Sự thay đổi chiến thuật giám sát cũng góp phần bảo đảm an ninh của New York. Thị trưởng Blasio đã đặt trọng tâm cải thiện lòng tin giữa người dân và cảnh sát, gắn việc sụt giảm tội ác ở New York vào chiến lược truy lùng gắt gao các nhóm tội phạm.

Tuy nhiên, bước đi này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Một số vẫn giữ quan điểm “không khoan dung”, tích cực theo dõi “khu vực có cửa sổ vỡ” và các vi phạm nhỏ để ngăn chặn các tội ác nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, những người khác cho rằng bí mật đằng sau tỷ lệ tội phạm giảm ở New York là cảnh sát phải đi đến tận nơi, điều tra và tìm hiểu kỹ vụ việc.

Dù vậy, một trong những thành công của cảnh sát là đã chấm dứt thị trường bán ma túy công khai ở những địa điểm khác nhau trong thành phố, nơi có tranh chấp mạnh mẽ giữa các phe nhóm để giành quyền kiểm soát và làm tăng các vụ giết người. Việc bán lẻ ma túy vẫn tiếp tục, nhưng theo cách kín đáo và ít đẫm máu hơn.

Ngoài ra, cảnh sát New York đã chấm dứt hoạt động gây tranh cãi là “dừng và khám xét” đối với những người qua lại, sau khi hành động này bị đánh giá là vi hiến vào năm 2013 và phân biệt đối xử đối với người gốc Latin và người da đen.

Cảnh sát New York đã chấm dứt hành động dừng và khám xét đối với những người qua lại sau khi Tòa án xác định là có sự phân biệt đối xử màu da. (Nguồn: Getty)

Yếu tố vĩ mô

Một chìa khóa khác để cải thiện an ninh ở New York là những thay đổi từ góc độ kinh tế và xã hội. Giờ đây, sinh sống ở thành phố này được coi là một quyền lợi, khi những căn hộ tại đây có giá trị nhất trên thế giới.

Ông James Austin, Chủ tịch Viện JFA, một tổ chức đánh giá các hành vi hình sự pháp lý, cho biết sự sụp đổ tội ác tại New York liên quan chặt chẽ đến “các yếu tố vĩ mô”. Những yếu tố này bao gồm lãi suất, lạm phát, thất nghiệp hoặc thậm chí là tỷ lệ sinh đẻ của phụ nữ. Ông nhấn mạnh: “Phụ nữ đang có xu hướng sinh con muộn hơn và có ít con hơn. Điều này làm gia tăng sự kiểm soát nội bộ trong nhà, góp phần đáng kể làm giảm các vụ bắt giữ vị thành niên. Tất cả những yếu tố vĩ mô này đang ức chế rất mạnh tỷ lệ tội phạm”.

(theo BBC)