Quốc kỳ hiện nay của New Zealand xuất phát từ lá cờ Union Jack của Vương quốc Anh. "Jack" ở đây để nói đến lá cờ được treo ở mũi thuyền, thường để xác định quốc tịch của tàu, thể hiện một thời nước Anh thống trị trên biển.
Vì thế, Chính phủ New Zealand dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng John Key đã thúc đẩy một chiến dịch thay đổi cờ của nước này, dựa trên ba lý do chính.
Thứ nhất, quốc kỳ New Zealand hiện tại được cho là quá giống quốc kỳ Australia do lịch sử cùng là thuộc địa của Anh. Việc giống nhau như vậy sẽ gây ra hiểu lầm hoặc khó phân biệt.
Hai là để thể hiện sự độc lập của một quốc gia. New Zealand hiện theo thể chế quân chủ nghị viện, người đứng đầu Nhà nước là Nữ hoàng Anh, thông qua đại diện là Thống đốc, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Tuy nhiên, vị trí đứng đầu Nhà nước của Nữ hoàng Anh chỉ là biểu tượng, thực quyền nằm trong tay Thủ tướng. Từ trước đó, đã có nhiều ý kiến chỉ trích quốc kỳ hiện tại của New Zealand bởi góc trên của quốc kỳ này có hình cờ nước Anh. Họ cho rằng nó giống như di sản của thời kỳ thuộc địa mà họ muốn quên đi. Việc thay đổi quốc kỳ thể hiện tham vọng xóa bỏ hoàn toàn quá khứ từng là thuộc địa của nước Anh.
Ba là tính đại diện của quốc kỳ. Nhiều người phê bình lá cờ hiện tại còn thiếu sự hiện diện của người Maori thổ dân bản địa, một tộc người đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của New Zealand. Do đó, lá cờ mới sẽ thể hiện được vai trò của người Maori ở New Zealand.
Về tiêu chí cụ thể, có ba yếu tố trang trí chủ đạo bao gồm hình xoắn ốc, lá dương xỉ và chòm Nam Thập Tự. Ở New Zealand, thổ dân Maori thường sử dụng hình xoắn ốc trong nghệ thuật của mình. Biểu tượng truyền thống của thổ dân Maori, được gọi là Maori koru, với nhành dương xỉ non biếc vẫn đang cuộn tròn những cánh lá xếp nếp nơi đầu cành. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa của sự vận động không ngừng cũng như vòng đời tự nhiên. Đây là hình ảnh rất phổ biến tại New Zealand, từ hình xăm trên người đến biểu tượng của hãng hàng không Air New Zealand.
Hồi tháng Chín vừa qua, một ủy ban độc lập lựa chọn quốc kỳ đã tuyên bố lựa chọn ra được bốn mẫu trong số 10.300 mẫu dự thi. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người đã phản ứng tiêu cực, thậm chí có phần quá khích, nói rằng các thiết kế mà ủy ban này chọn ra là “ảm đạm”.
Kế hoạch thay đổi quốc kỳ này dự kiến tiêu tốn đến 17 triệu USD, do đó không ít ý kiến cho rằng nó quá tốn kém. Theo một cuộc thăm dò được tờ New Zealand Herald tổ chức vào đầu năm nay, chỉ có khoảng một phần tư dân số nước này mong muốn thay đổi quốc kỳ.
Cuộc trưng cầu dân ý thông qua bưu điện đầu tiên ở New Zealand đã được tổ chức vào ngày 20/11 và theo kết quả ban đầu được công bố ngày 15/12, mẫu thiết kế có hình cây dương xỉ bạc trên tông màu đen, trắng và xanh chiếm ưu thế. Mẫu thiết kế mới này nhận được 552.827 phiếu đồng ý, chiếm khoảng 50,53% tổng số phiếu bầu. Điều này cho thấy rất có khả năng mẫu thiết kế này sẽ trở thành quốc kỳ mới của New Zealand nếu cuộc trưng cầu thứ hai được tổ chức vào tháng Ba năm 2016 cho kết quả tương tự.
Ngọc Hùng