Phát biểu trên đài phát thanh New Zealand, ông English cho biết việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không ngăn cản 11 nước còn lại cân nhắc một phiên bản sửa đổi của hiệp định này. Ông English cho rằng chính sách thương mại "nước Mỹ trên hết" của chính quyền mới ở Mỹ "không có lợi cho thế giới và cũng sẽ không có lợi cho Mỹ về lâu dài".
Thủ tướng New Zealand Bill English. (Nguồn: NZ Herald) |
Theo ông English, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Australia tuần trước đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ việc thúc đẩy một phiên bản mới cho TPP mà không có Mỹ. Song ông cũng khẳng định "TPP chưa chết" và cho rằng "kế hoạch B có thể sẽ rất khó khăn". Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc tham gia nếu TPP bị bác bỏ và cần phải thay thế bằng một thỏa thuận nào khác, ông English khẳng định "có thể".
TPP được ký kết tại Auckland (New Zealand) vào tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán, song văn kiện này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ nếu không có sự tham gia của Mỹ. Ngay sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Donald Trump ngày 20/1 vừa qua, chính phủ mới của Mỹ thông báo nước này sẽ rút khỏi TPP.
Tuy nhiên, nhiều nước thành viên TPP đã khẳng định tiếp tục đưa hiệp định này đến đích cuối cùng. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới đây ở thủ đô Lima của Peru, các nước đã thảo luận về việc thúc đẩy một TPP không có sự tham gia của Mỹ.
Các nước tham gia ký kết TPP có 2 năm để tiến hành các thủ tục phê chuẩn hiệp định này theo luật pháp từng nước. Nếu có hiệu lực, TPP sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. Theo các nhà kinh tế, TPP có thể bổ sung tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Năm 2016, New Zealand đã thông qua luật cho phép chính phủ phê chuẩn TPP. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay dự kiến sẽ sớm thăm Washington để thúc đẩy thông qua TPP và trong vài tháng tới bắt đầu đàm phán với lãnh đạo các nước tham gia ký kết về khả năng thay thế thỏa thuận hiện nay.