TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Anh thăm Mỹ vào ngày 27/1 | |
Những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong năm 2016 |
Khẳng định mối quan hệ “rất đặc biệt”
Chuyến thăm này sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo nước ngoài. Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Trump và bà Theresa May ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, cả hai bên đã tái khẳng định mối quan hệ “rất đặc biệt” giữa hai quốc gia. Thủ tướng Anh còn đặc biệt nhấn mạnh về quá trình lịch sử lâu dài khi cả Anh và Mỹ đều “cùng chia sẻ nhiều giá trị”.
Bà đã bày tỏ mong muốn tăng cường thương mại và đầu tư với Mỹ, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington có thể đem lại nhiều lợi ích cho London. Ngay lập tức, ông Trump đã chính thức mời bà Thủ tướng đến thăm Mỹ “càng sớm càng tốt”.
Ngày 27/1, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ lên đường công du đến Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
Trong chương trình nghị sự của chuyến thăm này, bà Theresa May tin tưởng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Tổng thống Donald Trump bất chấp chiến lược “đặt nước Mỹ lên trên hết” của ông. Do hiện nay, Anh không còn là một phần của nền kinh tế chung châu Âu vì nước Anh đã trưng cầu dân ý và đồng ý rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6/2016, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế Anh sau khi ra khỏi thị trường này. Trong khi đó, Mỹ vốn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Anh, chỉ sau Đức. Thương mại giữa hai nước đạt hơn 150 tỉ Bảng Anh (tương đương 186 tỉ USD)/năm và Mỹ là nguồn đầu tư lớn nhất vào Anh.
Thủ tướng Anh cho rằng hai nước có thể giảm bớt một số hàng rào thương mại trước khi chính thức ký một thoả thuận chừng nào Brexit (Anh rời khỏi EU) trở thành hiện thực. Bà Theresa May cũng bày tỏ tin tưởng rằng tân Tổng thống Mỹ nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và "tầm quan trọng của sự hợp tác mà chúng tôi có ở châu Âu để bảo đảm quốc phòng chung và an ninh tập thể của chúng ta".
Ngoài ra, các lãnh đạo cũng sẽ bàn về cuộc xung đột Syria, quan hệ với Nga và cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.
Tái hiện mối quan hệ “Reagan – Thatcher”?
Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Theresa May có "tính biểu tượng rất quan trọng" và đúng thời điểm các cuộc đàm phán về Brexit sắp diễn ra, việc Thủ tướng Anh gặp tân Tổng thống Mỹ sớm như vậy là "có ý nghĩa chính trị”. Dưới thời tân Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - Anh sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khi ông chủ mới lại có quan điểm rất khác đối với các vấn đề an ninh quan trọng như quan điểm đối với Nga, Syria, làm dấy lên những câu hỏi về mức độ hợp tác Mỹ - Anh trong tương lai.
Tuy nhiên, không ít người Anh đang kỳ vọng rằng, việc ông Trump quyết định gặp bà Theresa May sẽ “thắp sáng lại” mối quan hệ song phương như dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher những năm 80 của thế kỷ trước, một tân lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy ở Nhà Trắng và một người phụ nữ mạnh mẽ ở số 10 đường Downing .
Mối quan hệ Mỹ - Anh sẽ lại như dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher? (Nguồn: USA Today) |
Theo ông James de Waal - chuyên viên cấp cao Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế, từ trước đến nay London luôn giữ một mối liên kết đặc biệt gần gũi với Washington và dùng mối quan hệ này để gây ảnh hưởng và tiếp cận. Tuy nhiên, đến thời điểm này chính sách đối ngoại của bà May lại có nhiều điểm khác biệt với những gì mà chính quyền mới của Mỹ thể hiện. Mối quan hệ giữa chính quyền của Tổng thống Trump với Nga là mối quan tâm chính đối với những người phụ trách vấn đề an ninh của Anh. Có sự khác biệt khá xa giữa việc Anh kêu gọi EU trừng phạt Nga trong khi ông Trump lại ca ngợi Tổng thống Nga Putin đã thành công trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mặc dù vậy, vẫn luôn "có những cơ hội" để xây dựng mối quan hệ gần gũi với vị tân Tổng thống Mỹ, người có mẹ là người Scotland (một vùng thuộc Anh).
Trong một dấu hiệu gần đây cho thấy bà Theresa May đang tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ khi lên tiếng chỉ trích về việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên án chính sách của Israel. Như vậy, bà May thể hiện cùng quan điểm với ông Trump, người đã “đóng sầm” chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama và hứa hẹn tăng cường hỗ trợ cho Israel.
Trong một nỗ lực nhằm thắt chặt quan hệ với Nhà Trắng mới, văn phòng bà Theresa May cho biết họ đang cân nhắc về việc mời ông Trump đến thăm chính thức nước Anh vào đầu năm nay, trong đó ông sẽ ở lại làm khách mời của Nữ hoàng Elizabeth II tại Cung điện Buckingham, điều này cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước vẫn còn nguyên vẹn.
Mỹ sẽ cắt giảm tài trợ cho LHQ Theo tờ The New York Times ngày 24/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang soạn thảo hai sắc lệnh hành pháp nhằm giảm bớt vai ... |
Brexit: Thủ tướng Theresa May chọn hướng đi phức tạp nhất Nếu mọi chuyện không theo kịch bản mong muốn, nền kinh tế và giới doanh nghiệp Anh có thể đứng trước nguy cơ gián đoạn ... |
Thủ tướng Theresa May: Anh sẽ tiếp tục dẫn dắt kinh tế thế giới Thủ tướng Theresa May tuyên bố Anh sẽ thúc đẩy "vai trò lãnh đạo mới" của mình trong nền kinh tế thế giới khi nước ... |