📞

Nga bán khí đốt cho Trung Quốc với giá rẻ 'giật mình'; Ấn Độ nêu ý tưởng 'đôi bên cùng có lợi' với Moscow

Việt An 09:34 | 25/04/2024
Bloomberg dẫn một dự báo vĩ mô do Bộ Phát triển Kinh tế Nga soạn thảo cho thấy, giá khí đốt nước này bán cho Trung Quốc sẽ thấp hơn 28% so với giá bán cho người tiêu dùng châu Âu, ít nhất cho đến năm 2027.
Đường ống Sức mạnh Siberia'vận chuyển khí đốt từ Nga đến Trung Quốc. (Nguồn: DW)

Theo kịch bản cơ sở của Bộ trên, trong năm 2024, giá xuất khẩu khí đốt Nga sang Trung Quốc sẽ là 257 USD/1.000 m3 so với mức 320,30 USD/1.000 m3 bán cho thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ (chênh lệch 19,76%).

Dự báo vĩ mô cũng cho biết, năm 2023 giá khí đốt bán cho Trung Quốc là 286,9 USD/1.000 m3 và các nước châu Âu là 461,3 USD/1.000 m3 (chênh lệch 37,81%).

Năm 2025, giá khí đốt bán cho Trung Quốc và châu Âu được dự báo lần lượt là 243,7 USD/1.000 m3 và 320,1 USD/1.000 m3. C

Các mức giá của năm 2026 là 233 USD/1.000 m3 và 320 USD/1.000 m3 và năm 2027 là 227,8 USD/1.000 m3 và 315,4 USD/1.000 m3. Trong mọi trường hợp, chênh lệch phần trăm không vượt quá 28%. Xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU qua tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” vẫn ở mức cao kỷ lục.

Hiện Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia”, công suất thiết kế tối đa là 38 tỷ m3/năm.

Trong năm 2023, khối lượng khí đốt xuất khẩu qua tuyến đường ống này đạt 22,7 tỷ m3.

Tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom kỳ vọng, “Sức mạnh Siberia” sẽ đạt công suất xuất khẩu tối đa vào năm 2025.

Hồi tháng 3/2023, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã công bố một thỏa thuận với Trung Quốc về việc xây dựng tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia 2” (công suất thiết kế lên tới 50 tỷ m3 khí đốt/năm).

Ông Putin lưu ý rằng “hầu như tất cả các số liệu trong thỏa thuận đã được thống nhất”.

* Đồng Rupee các nhà cung cấp Nga đã tích lũy trong tài khoản ngân hàng của Ấn Độ, được đề xuất sử dụng để thanh toán cho việc xuất khẩu sang nước thứ ba.

TS. Ajay Sahai, người đứng đầu Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), do Bộ Công thương Ấn Độ thành lập cho hay, các doanh nghiệp sẽ được thanh toán bằng tiền này khi bán hàng cho Ấn Độ sau đó sẽ thanh toán cho Nga bằng đồng tiền khác.

Theo chuyên gia Sahai, kế hoạch này là “lựa chọn đôi bên cùng có lợi” và ý tưởng hiện đang được thảo luận với Chính phủ Ấn Độ.

Đề cập đến số tiền có trong tài khoản của doanh nghiệp Nga tại các ngân hàng Ấn Độ, Sahay không nêu khối lượng cụ thể và lưu ý rằng đó là hàng tỷ Rupee.

Giám đốc FIEO thông tin, giao dịch với Nga bằng đồng tiền Ấn Độ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, nhưng được thực hiện “với khối lượng nhỏ”.

Trước đó, được biết mong muốn sử dụng đồng nội tệ để thanh toán tiền mua dầu của Ấn Độ vẫn chưa tìm được người ủng hộ.

Các nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ là Iraq, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga - quốc gia đang có một lượng lớn Rupee trong các ngân hàng Ấn Độ.

Việc thanh toán bằng USD gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt và trần giá do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và đồng minh của họ áp đặt, các doanh nghiệp Nga cũng không thể rút đồng tiền Ấn Độ do đặc thù của luật pháp địa phương.

(theo Bloomberg, Reuters)