Máy bay chiến đấu Su-57 của Nga. (Nguồn: Pinterest) |
Đến nay, tất cả các máy bay chiến đấu được sản xuất tại Liên bang Nga, bao gồm cả phiên bản Su-57 hiện đại nhất, đều được trang bị hai động cơ.
"Cục thiết kế Sukhoi chủ động tiến hành công tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu một động cơ hạng nhẹ thế hệ thứ 5. Trong quá trình chế tạo các nhà thiết kế dự định sử dụng rộng rãi nền tảng đã được phát triển khi chế tạo Su-57, bao gồm động cơ Izdeliya-30 tối tân, lớp phủ bên ngoài có tác dụng hấp thụ sóng vô tuyến, thiết bị vô tuyến điện tử trong buồng lái, trang bị vũ khí ", nguồn tin của Sukhoi cho biết.
Nguồn tin lưu ý, máy bay mới phải có trọng lượng cất cánh thông thường không quá 18 tấn, tỷ lệ lực đẩy của động cơ trên trọng lượng máy bay ít nhất là 1, khả năng bị radar phát hiện giảm đến mức thấp nhất, tốc độ bay tối đa nhanh hơn hai lần tốc độ âm thanh, chế độ siêu cơ động và khả năng rút ngắn thời gian cất cánh nhờ lực đẩy động cơ theo phương nghiêng.
Nguồn tin cho biết thêm rằng, "về mặt kết cấu máy bay sẽ có một cửa hút gió đa chế độ ở dưới thân, như được áp dụng trên nhiều máy bay một động cơ hiện đại".
Ở giai đoạn chế tạo, mẫu thiết kế thử nghiệm có thể dùng động cơ Al-31FN serie 3 và 4 đã được sử dụng trên các máy bay chiến đấu nước ngoài.
Hiện nay máy bay chiến đấu một động cơ được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Nổi tiếng nhất và đắt hàng nhất trên thị trường vũ khí là máy bay chiến đấu F-16 và F-35 của Mỹ, JAS-39 GRIPEN của Thụy Điển và J-10 của Trung Quốc.
Việc chỉ lắp một động cơ làm giảm đáng kể chi phí và công sản xuất, đồng thời cũng đơn giản hóa và giảm bớt chi phí vận hành và bảo trì máy bay.
Tuy nhiên, một động cơ sẽ làm giảm độ tin cậy và khả năng sống sót trong chiến đấu của máy bay, hạn chế tải trọng chiến đấu tối đa, cũng là thu hẹp tiềm lực chiến đấu của chúng.