📞

Nga bắt đầu sản xuất các hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ

BQT 11:20 | 05/02/2020
TGVN. Nga đã bắt đầu sản xuất các hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ, việc giao hàng sẽ được thực hiện theo đúng thời hạn quy định của hợp đồng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov cho biết.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Theo kế hoạch, việc giao hàng sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm 2025.

“Nói chung, các bên sẽ thực hiện đầy đủ tất cả các nghĩa vụ, kể cả việc thanh toán. Tôi khẳng định thêm rằn, hiện đang làm mọi việc để xây dựng trung tâm đào tạo ở Ấn Độ,” – ông Manturov cho biết khi trả lời phỏng vấn Sputnik.

Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng cung cấp hệ thống S-400 hồi tháng 10 năm 2018. New Delhi sẽ chi 5,43 tỷ USD để mua 5 trung đoàn hệ thống tên lửa phòng không S400. Thỏa thuận này được coi là lớn nhất trong lịch sử Rosoboronexport.

S-400 Triumph là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung của Nga, được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện tấn công hàng không vũ trụ hiện tại và tương lai.

Ngoài Ấn Độ, hợp đồng cung cấp S-400 còn được ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Chính quyền Iraq cũng đang xem xét khả năng mua các tổ hợp phòng không này.

Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Andrei Koshkin - nhà khoa học chính trị quân sự, người đứng đầu Khoa Chính trị và Xã hội học tại Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov - đã bình luận về hợp đồng với Ấn Độ, nhấn mạnh tính độc đáo của vũ khí Nga.

"S-400 là vũ khí công nghệ cao, độc đáo, trên thế giới không có vũ khí kỹ thuật và chiến thuật nào tốt hơn nó. Do đó, dĩ nhiên là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, và bây giờ là Ấn Độ, đều quan tâm đến việc sở hữu những vũ khí này để bảo vệ đất nước của họ.

Ấn Độ tiếp cận kỹ càng vấn đề này để tự mình ký kết một hợp đồng có lợi, nhận các tổ hợp và đưa chúng vào nhiệm vụ chiến đấu, có tính đến thực tế là hợp đồng bao gồm việc các chuyên gia sẽ đào tạo và hỗ trợ tổ chức các điểm bảo trì.

Phía sản xuất đảm nhận các vấn đề kỹ thuật, đảm bảo, các nước mua các tổ hợp phòng không, đặc biệt là Ấn Độ, sẽ học cách sử dụng chúng và có thể sử dụng một cách hiệu quả nhất để bảo vệ đất nước của họ. Vì vậy, công việc triển khai giữa các nước chúng ta đang diễn ra rất hiệu quả và thành công,” - ông Andrei Koshkin nói.

(theo Sputnik)