📞

Nga bỏ quy chế miễn thị thực cho công dân Nhật Bản tới quần đảo Nam Kuril

Minh Quân 10:06 | 06/09/2022
Ngày 5/9, Moscow đã chấm dứt thỏa thuận với Tokyo về việc tạo điều kiện cho các chuyến thăm của công dân Nhật Bản tới khu vực tranh chấp Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản đặt tên là Lãnh thổ phương Bắc.
Quần đảo Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc từ lâu đã là điểm nóng trong quan hệ Nga-Nhật. (Nguồn: Sputnik)

Trước đó hồi tháng Ba, Bộ Ngoại giao Nga thông báo ý định chấm dứt các chuyến thăm miễn thị thực của công dân Nhật Bản tới quần đảo trên để đáp trả lại các lệnh trừng phạt của Tokyo đối với Moscow do xung đột Nga-Ukraine.

Theo thỏa thuận có từ năm 1999, Nga cho phép cư dân cũ và các thành viên gia đình của họ tới thăm 4 đảo tranh chấp Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc (hiện do Nga kiểm soát) mà không cần thị thực.

Ngày 7/6, Nga cũng đã đình chỉ một thỏa thuận cho phép ngư dân Nhật Bản đánh bắt cá gần Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc. Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định này đưa ra với lý do Nhật Bản đã không thực hiện thanh toán theo như yêu cầu trong thỏa thuận.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: "Trong tình hình hiện nay, chúng tôi buộc phải đình chỉ việc thực thi thỏa thuận 1998 cho đến khi phía Nhật Bản hoàn thành mọi trách nhiệm tài chính của nước này".

Phản ứng với quyết định trên, ngày 8/6, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết: “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Nga đơn phương tuyên bố đình chỉ thỏa thuận”.

Ông Matsuno thừa nhận việc Nhật Bản không thực hiện thanh toán đối với dự án tại Viễn Đông của Nga, tuy nhiên cho biết, dự án trên không phải là điều kiện ràng buộc để tiếp tục thỏa thuận.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản đối với các hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc bắt đầu từ cuối Thế chiến II.

Nhật Bản cáo buộc Liên Xô chiếm giữ trái phép quần đảo ngay sau khi Tokyo đầu hàng tháng 8/1945, trong khi Moscow cho rằng, hành động này là hợp pháp.

Tình trạng trên ngăn cản Nga-Nhật Bản ký hiệp ước hòa bình chính thức sau Thế chiến II.

(theo Sputnik, Tân Hoa xã)