TIN LIÊN QUAN | |
Tổng Bí thư: Nhận thức rõ tầm quan trọng của đối ngoại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc | |
Tạo dựng chỗ đứng của Việt Nam |
Đại sứ Nguyễn Tất Thành. (Nguồn: VOV) |
Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa mới được hình thành?
Thái Lan là thị trường tương đối lớn, với khoảng 70 triệu dân. Từ vị trí cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan, tôi nhận thấy doanh nghiệp của chúng ta chưa thực sự quan tâm đến thị trường này.
Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ có khoảng 20% là xuất nhập trong ASEAN. Việt Nam quan tâm đến thị trường các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa khai thác thị trường ASEAN một cách nghiêm túc. Trong khi đó, Thái Lan lại rất quan tâm đến vấn đề này. Các doanh nghiệp Thái rất chú trọng đến thị trường ASEAN và trong ASEAN, họ quan tâm nhất đến thị trường Việt Nam.
Việt Nam có những ưu thế rất lớn so với các nước trong khu vực, chẳng hạn như vị trí địa lý. Thái Lan muốn tranh thủ sự phát triển của Trung Quốc và muốn thông qua Việt Nam để thực hiện mục tiêu này bởi Việt Nam có vị trí rất gần và có thể giao thương dễ dàng với Trung Quốc. Thái Lan cũng tăng cường đầu tư vào Việt Nam, ví dụ như xây dựng những khu công nghiệp lớn... Đó là những tầm nhìn mang tính chiến lược của các doanh nghiệp bạn.
Về phía Việt Nam, hiện nay, trên lĩnh vực thương mại hàng hóa, chúng ta chưa thực sự quan tâm đến thị trường Thái Lan. Do đó, vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức một số sự kiện xúc tiến thương mại ở Thái Lan. Chỉ khi doanh nghiệp chúng ta sang địa bàn Thái mới có thể thấy rằng hàng hóa của Việt Nam hoàn toàn có thể đi vào thị trường bạn qua nhiều con đường khác nhau kể cả chính ngạch, tiểu ngạch và qua Lào, Campuchia... Các địa phương của Thái Lan cũng có quyền quyết định chính sách nhập khẩu hàng hóa của mình. Do đó, các địa phương của Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ được.
Đại sứ có thể chia sẻ nhận định của mình về mức độ sẵn sàng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam trong tương quan so sánh với doanh nghiệp Thái Lan?
Khi nói chuyện với doanh nghiệp Thái, tôi học hỏi được rất nhiều. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi cảm giác sự chủ động của họ chưa cao.
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là một trong những cơ quan mà các doanh nghiệp có thể tranh thủ được nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa tìm cách tranh thủ hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp Thái lại vận dụng kênh này rất nhiều. Họ tìm mọi cách gặp mặt Đại sứ các nước, mời Đại sứ tham dự các sự kiện liên quan đến kinh tế thương mại, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Thời gian qua, tôi tham gia rất nhiều các sự kiện do doanh nghiệp Thái Lan tổ chức. Trong khi đó, số lượng công ty Việt đầu tư sang Thái Lan đếm trên đầu ngón tay. Do đó, để thúc đẩy quan hệ kinh tế, du lịch, thương mại và đầu tư với nước bạn, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự chủ động hơn nữa. Chúng ta có một lợi thế tương đối lớn bởi là nước duy nhất trên thế giới đã ký kết các hiệp định mậu dịch tự do với tất cả các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thái Lan lại đang rất mong muốn có được điều đó. Vì vậy, họ tìm cách để tranh thủ Việt Nam.
Một điểm nữa là tôi thấy các doanh nghiệp trong nước đang phát triển theo chiến lược riêng chứ chưa gắn kết với thị trường khu vực và toàn cầu một cách chặt chẽ. Xét về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh thị trường khu vực các nước láng giềng của mình.
Mặc dù hợp tác kinh tế Việt Nam - Thái Lan chưa thực sự hiểu quả nhưng nhìn chung quan hệ kinh tế hai nước đang chuyển biến theo hướng tích cực. Nếu nhìn vào số chuyến bay giữa hai nước, một năm trước, chỉ có khoảng hơn 100 chuyến/tuần nhưng hiện tại là 210 chuyến/tuần. Con số này cho thấy mỗi ngày chúng ta có khoảng 30 chuyến bay khứ hồi giữa Thái Lan và Việt Nam.
Hiện nay, hai bên cũng đang thúc đẩy kết nối về đường biển, hợp tác về du lịch và thương mại. Đặc biệt, hai bên đang đẩy mạnh kết nối về đường bộ. Hiện nay, các Chính phủ liên quan là Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia đang thúc đẩy kết nối qua tuyến đường xe buýt hàng ngày. Hy vọng, mỗi ngày sẽ có hàng chục tuyến xe buýt về du lịch giữa các tỉnh thành của Việt Nam và Thái Lan.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan, hai bên đang thúc đẩy khai trương tuyến đường chính thức để sắp tới xe buýt Việt Nam không chỉ đi sang được Lào mà còn sang cả Thái Lan, từ đó thúc đẩy kết nối và là nền tảng để thúc đẩy thương mại đầu tư và giao lưu nhân dân song phương. Ý tưởng ăn sáng tại Việt Nam và ăn trưa tại Thái Lan sẽ không còn xa vời.
Thái Lan là một trong những điểm nóng về công tác bảo hộ công dân. Xin ông chia sẻ về đặc thù của công tác này tại đây?
Đối với tất cả các cơ quan đại diện, bảo hộ công dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Hiện nay, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở Thái Lan tập trung vào hai hướng chính: bảo hộ người lao động ở Thái Lan và bảo hộ ngư dân - những người mà bằng cách này hay cách khác xâm nhập vào vùng biển Thái Lan và bị phía bạn bắt giữ.
Đối với bộ phận người lao động, chúng tôi rất may mắn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong việc hợp tác lao động giữa hai nước. Đó là lý do tại sao Việt Nam trở thành nước đầu tiên không có đường biên giới chung trên bộ với Thái Lan ký được hiệp định hợp tác lao động với bạn. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng như Bộ Lao động Thái Lan để triển khai hai hiệp định đã ký kết về hợp tác lao động. Hy vọng, trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới, những công dân Việt Nam đầu tiên sẽ sang lao động chính thức tại Thái Lan trong khuôn khổ của Hiệp định.
Nghề cá là một trong những ngành nghề hợp tác tiềm năng giữa hai nước. Thái Lan coi Phật giáo là quốc giáo. Đa phần người Thái không sát sinh và tương đối ít người dân nước này theo nghề cá. Do đó, việc đưa ngư dân Việt Nam sang phối hợp với ngư dân Thái Lan đánh bắt cá tại vùng biển Thái Lan một cách chính thức là một lĩnh vực hợp tác lao động triển vọng. Ngành nghề tiềm năng thứ hai là ngành xây dựng. Giá nhân công Thái cao hơn nhiều so với giá nhân công Việt Nam. Trong khi đó, nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung Việt Nam có nguyện vọng xuất khẩu lao động để có thể tiết kiệm được một khoản tiền cho gia đình. Chúng ta đã triển khai được hợp tác lao động trong hai lĩnh vực ngư nghiệp và xây dựng. Thái Lan cũng hứa sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Nguyễn Tất Thành thăm kiều bào tại 2 tỉnh Thái Lan Ngày 15 - 16/7, đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan do Đại sứ Nguyễn Tất Thành dẫn đầu đã tới Chaiyaphum và ... |
Việt Nam-Thái Lan thúc đẩy quan hệ vì sự phát triển bền vững Sáng 12/7, Hội thảo quốc tế Tăng cường quan hệ Việt Nam-Thái Lan vì Thịnh vượng chung, Phát triển bền vững và An ninh khu ... |
Tình hữu nghị Việt Nam – Thái Lan: Đơm hoa kết trái Việc Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn tới thăm Đại sứ quán Việt Nam và sự kiện “Những ngày Việt Nam tại Thái Lan” ... |