Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: AFP) |
Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại rằng, cuối năm 2019, Moscow đã gửi các đề xuất của mình tới Washington để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược 3 (START-3). Phát biểu trong cuộc họp Ủy ban Đối ngoại Nga, ông Lavrov cho biết: "Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời, nhưng trong thời gian đó, chúng tôi thấy Mỹ có những bước đi ngược lại, theo hướng gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực ổn định chiến lược và vũ khí hạt nhân".
Hiệp ước START-3 sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2021, Mỹ hiện vẫn chưa xác định liệu có tiếp tục gia hạn hiệp ước này hay không.
Trước đó, ngày 18/1, người đứng đầu Phòng Phổ biến Vũ khí của Trung tâm Chính sách An ninh Geneva ông Mark Fino cho rằng, cả Nga và Mỹ hiện đang có mối quan tâm ngày càng tăng về Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã bắt đầu cải thiện chất lượng kho vũ khí của mình.
Vị chuyên gia này phân tích: "Việc hiện đại hóa đang diễn ra ở tất cả các cường quốc hạt nhân và các quốc gia. Và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Cũng như Nga, họ đang đầu tư vào hai loại vũ khí được coi là cần thiết cho phòng thủ tên lửa. Đó là tên lửa siêu thanh và phương tiện bay".
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó nói rằng nước này đang giúp Trung Quốc tạo ra hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa. Theo ông Putin, đó đơn thuần chỉ là phòng thủ. Ông nhấn mạnh rằng, điều này sẽ làm tăng đáng kể khả năng phòng thủ của Trung Quốc, vì hiện tại chỉ Mỹ và Nga sở hữu hệ thống như vậy.
Trung Quốc bị cho là không phải là đối thủ cạnh tranh với Nga và Mỹ về kho vũ khí hạt nhân. "Nếu bạn nhìn vào số lượng đầu đạn và tên lửa hiện nay, có sự mất cân đối lớn đối với Nga và Mỹ. Khoảng 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới do Nga và Mỹ nắm giữ. Vì vậy, Trung Quốc chỉ đóng vai trò răn đe tối thiểu. Do đó, mọi nỗ lực đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán Nga - Mỹ đều không thành công, vì kho vũ khí không tương ứng", chuyên gia Mark Fino phân tích.