Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp bang California, Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Thứ trưởng Rudenko cho biết, Nga đánh giá quan hệ song phương với Nhật Bản đã xuống mức "thấp chưa từng thấy".
Ông Rudenko cũng tuyên bố những diễn biến trong hợp tác quân sự Mỹ-Nhật “sẽ được phía Nga tính đến khi xây dựng chính sách đối với Nhật Bản và toàn bộ khu vực”.
Moscow tỏ ra đặc biệt quan tâm sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 10/4 công bố kế hoạch hợp tác quân sự sâu sắc hơn, cũng như các dự án từ tên lửa đến đổ bộ lên Mặt Trăng, củng cố liên minh lâu đời giữa hai nước.
Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản, đã và đang tăng cường quân đội để chống lại mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tại cuộc gặp hôm 10/4, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida cũng bàn về cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 12/4 cho rằng, Trung Quốc đang hỗ trợ nỗ lực xung đột quân sự của Nga ở Ukraine khi giúp nước này tăng cường sản xuất quốc phòng bằng cách cung cấp một lượng lớn công cụ máy móc, vi điện tử, công nghệ máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Các quan chức giấu tên cho biết, vấn đề này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập trong cuộc điện đàm gần đây với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng là nguồn gốc cuộc thảo luận đang diễn ra với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và trên thế giới.
Liên quan quan hệ Nga-Trung Quốc, cùng ngày 12/4, hai hãng tin của Nga cho biết, các công ty nước này đang phải đối mặt với những rào cản ngày càng tăng trong việc thanh toán cho Bắc Kinh, trong đó các giao dịch liên quan linh kiện điện tử đang bị ảnh hưởng.
Tờ Kommersant đưa tin, kể từ cuối tháng 3, một số ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu chặn các khoản thanh toán từ Nga, đặc biệt là các khoản thanh toán mua những linh kiện điện tử quan trọng cần thiết cho máy chủ, hệ thống lưu trữ và máy tính xách tay. Động thái này mở rộng các hạn chế trước đây vốn chủ yếu nhắm vào hàng hóa thành phẩm.
Kommersant dẫn lời các chuyên gia cho hay Trung Quốc là nhà cung cấp duy nhất những linh kiện như vậy và do đó, các công ty lắp ráp thiết bị điện tử của Nga có thể gặp khó khăn nghiêm trọng và bị chậm trễ trong sản xuất.
Theo hãng tin Izvestia, một số ngân hàng Trung Quốc như Bank of China và Great Wall West China hiện đang yêu cầu khách hàng Nga trả lời những câu hỏi chi tiết về các giao dịch của họ, bao gồm cả việc liệu chúng có liên quan đến quân đội Nga, các khu vực ở Ukraine do Nga kiểm soát hay các quốc gia như Cuba, Iran và Syria hay không.
Các chuyên gia cho biết, các ngân hàng này đã bắt đầu yêu cầu những thông tin như vậy vào đầu năm nay và việc giám sát kỹ lưỡng hơn có thể dẫn đến việc thanh toán của các công ty nhập khẩu linh kiện bị chậm trễ hoặc bị từ chối.
Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022. Vào cuối tháng 3, Reuters đưa tin một số ngân hàng ở Trung Quốc, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các yêu cầu tuân thủ lệnh trừng phạt, dẫn đến sự chậm trễ hoặc thậm chí bị từ chối chuyển tiền tới Moscow.