📞

Nga dần mất doanh thu năng lượng, Ukraine nói 'tin rất tốt', nhưng vẫn chưa đủ

Linh Chi 15:11 | 12/01/2023
CNBC dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) cho thấy, doanh thu của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã sụt giảm trong tháng 12/2022.
Một cơ sở khai thác dầu thuộc vùng Irkutsk, Nga. (Nguồn: Reuters)

Các quan chức Ukraine cho biết, những phát hiện nói trên đã chứng minh tính hiệu quả của việc nhắm mục tiêu vào doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

CREA - một tổ chức tư vấn độc lập của Phần Lan - cho hay, trong tháng đầu tiên (tháng 12/2022) Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển và mức trần giá của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã khiến Moscow phải trả một khoản tiền ước tính 160 triệu Euro (171,8 triệu USD) mỗi ngày.

Báo cáo của CREA cho thấy, thu nhập từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm 17% trong tháng cuối cùng của năm 2022. Điều đó có nghĩa là Moscow - một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - đã chứng kiến ​​doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nhà phân tích Lauri Myllyvirta tại CREA nhận định: "Lệnh cấm dầu của EU và trần giá dầu cuối cùng đã có hiệu lực và tác động đáng kể như dự kiến. Điều này cho thấy, phương Tây có các công cụ để làm hạn chế doanh thu từ dầu và khí đốt chảy vào 'túi tiền' nước Nga.

Việc cần thiết phải làm là phải hạ giá trần xuống mức không cho phép Điện Kremlin thu lợi nhuận từ dầu mỏ chịu thuế, đồng thời hạn chế Nga xuất khẩu dầu và khí đốt".

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12/2022. Cũng trong ngày này, giá trần 60 USD/thùng dầu Nga do EU, G7 và Australia áp đặt chính thực có hiệu lực.

Cùng với nhau, các biện pháp nêu trên phản ánh bước quan trọng nhất nhằm hạn chế doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Điện Kremlin.

Trước đó, các nhà phân tích năng lượng đã hoài nghi về tác động của việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, đặc biệt là khi Moscow đã có thể định tuyến lại phần lớn các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển từ châu Âu đến các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đã trả đũa các biện pháp của phương Tây bằng cách cấm bán dầu cho các quốc gia tuân thủ giá trần.

(theo CNBC)