Theo dự báo đã được gửi cho Bộ Tài chính, Nga sẽ thoát khỏi suy thoái vào năm 2017 song vẫn phải mất khoảng 20 năm để vật lộn với tình trạng đói nghèo và trì trệ.
Người công nhân đang kiểm tra đường ống dẫn dầu tại một mỏ dầu khí thuộc sở hữu của tập đoàn Bashneft (Nga). Nguồn: Reuters |
Trong nội dung 3 kịch bản do Bộ Kinh tế Nga đưa ra đối với nền kinh tế nước này, theo kịch bản tiêu cực nhất, giá dầu thực tế trung bình ở mức 40 USD/thùng, còn giá danh nghĩa sẽ tăng khoảng 1 USD một năm và đạt 55 USD/thùng vào năm 2035, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ tăng trung bình 1,8%.
Theo kịch bản lạc quan, sau khi thoát suy thoái vào năm 2017, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng rất chậm, trung bình 2% một năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình trên thế giới tới 1,5 lần. Thu nhập thực tế của người dân tăng trung bình 1,4% và đến năm 2021 mới có thể quay trở lại mức của năm 2013 trước khủng hoảng và đến năm 2035 sẽ vượt mức năm 2013 khoảng 30%.
Giá dầu trung bình năm 2020 ở mức 57 USD/thùng, tiếp đó là 70 USD/thùng vào năm 2030 và 76,7 USD/thùng năm 2035. Đầu tư sẽ lấy lại mức trước khủng hoảng vào năm 2021, song chỉ tăng trung bình 3,3%/năm. Xuất khẩu và nhập khẩu sẽ tăng khoảng 2% và 4%/năm.
Còn theo kịch bản lạc quan nhất, nhờ chuyển sang mô hình tăng trưởng đầu tư bao gồm các biện pháp cải thiện điều kiện kinh doanh, hỗ trợ xuất khẩu phi nguyên liệu, giảm chi phí và tăng doanh thu của các doanh nghiệp, kinh tế Nga sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới. Giá dầu được dự báo ở mức "lạc quan", song tốc độ tăng GDP cũng sẽ được đẩy cao, trên 4% vào năm 2019 và trung bình đạt 3,6% trong cả thời kỳ 2016-2035.