Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, tháng 3/2022 tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: Kyodo) |
Thoả thuận về việc cùng tiêu huỷ vũ khí hạt nhân, giải quyết các vấn đề môi trường giữa LB Nga và Nhật Bản được ký tháng 10/1993 và hết hiệu lực ngày 21/5/2024. Trong khuôn khổ thoả thuận, hai bên đã thành lập uỷ ban hợp tác thúc đẩy tiêu huỷ vũ khí hạt nhân.
Trước đó, trong ngày 23/5, Bộ Ngoại giao LB Nga cho biết, đã loại trừ các cuộc tiếp xúc với phía Nhật Bản trong tình hình hiện nay.
Nhật Bản là một trong số các nước phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, điều khiến Moscow không hài lòng dẫn đến quan hệ hai bên ngày càng rạn nứt.
Bên cạnh đó, quan hệ Nga-Nhật còn căng thẳng thêm do không ký được hiệp ước hoà bình sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Hiện hai bên vẫn đang có những tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Nam Kurill mà Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Lịch sử quan hệ Nhật Bản - Nga bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp, trong đó chiếm vị trí trung tâm là những căng thẳng kéo dài liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Với quan điểm tiếp cận mới của chính quyền Nhật Bản dưới thời kỳ Thủ tướng Shinzo Abe, quan hệ Nhật Bản - Nga đã có những tiến triển tích cực.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022 và những thay đổi sâu sắc trong cục diện khu vực và thế giới thời gian gần đây khiến lập trường của Nhật Bản đối với Nga có nhiều thay đổi, dẫn đến quan hệ giữa Tokyo và Moscow ngày càng xấu đi.