📞

Nga - EU: “Ăn miếng trả miếng” - Đôi bên cùng “đắng miệng”

08:17 | 15/08/2014
Người tiêu dùng Nga “chua chat” nhìn giá thực phẩm leo thang sau khi nước này cấm nhập khẩu nhiều loại trái cây, rau quả, sữa, thịt và các sản phẩm từ sữa, thịt của các quốc gia phương Tây trong đó có Mỹ, Úc, Canada và Liên minh châu Âu.
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân là do Nga vừa ra lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm từ phương Tây để đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) cấm các công ty của họ giao dịch với một số ngân hàng Nga, cũng như các hãng năng lượng của nước này.

Bằng cách đặc biệt tấn công vào lĩnh vực nông nghiệp, Nga đã cố tình gây sức ép lên ngành sản xuất quan trọng của phương Tây, đặc biệt là EU.

Có thể nói, ảnh hưởng xấu tới sản xuất thực phẩm đã khiến các công dân châu Âu buồn lòng. Từ trước tới nay, chính sách nông nghiệp chung của khối này đều cho thấy một sự nỗ lực hết mình nhằm trợ cấp xuất khẩu hàng hóa sang các nước bên ngoài EU. Ban đầu, nhờ những chính sách như vậy, người dân Nga biết được hương vị của các sản phẩm từ châu Âu. Tuy nhiên, sau đó thị trường Nga lại trở thành “chỗ dựa” khiến các nhà sản xuất châu Âu bị lệ thuộc. Nga hiện là nước tiêu thụ thực phẩm của EU lớn thứ hai sau Mỹ, hàng năm chiếm khoảng 15.8 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã bỏ vốn rất nhiều ở Nga và coi nước này là nơi viết nên câu chuyện phát triển hàng hóa chính của họ. Trong khi các quan chức EU thắt chặt các con số để đánh giá tác động cấm vận của Nga lên lĩnh vực thực phẩm châu Âu, có thể mường tượng ra cảnh các giám đốc điều hành của những công ty lớn nhất khu vực “nháo nhào” đi tìm một thị trường thay thế bù đắp lại tổn thất từ thị trường Nga.

Thêm nữa, chính sách nông nghiệp của châu Âu cũng có thể khiến các thành viên càng thêm tổn thất nếu lệnh cấm của Nga tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn một năm hoặc thậm chí lâu hơn bởi những trừng phạt này gây ra sự dư thừa thực phẩm. EU có thể phải rơi vào tình huống buộc phải mua lại cổ phiếu nhằm giúp cho nông dân của họ ổn định việc sản xuất.

Về phía mình, bằng cách “đánh” vào ngành nông nghiệp của EU, Nga mới chỉ “phục vụ” một món trong “thực đơn đáp trả”, có thể sau này còn bao gồm cả những biện pháp gây tác hại đến một loạt các ngành công nghiệp khác. Những biện pháp này được lên kế hoạch để tấn công từng nước thành viên EU khác nhau theo những cách khác nhau.

Mặc dù vậy, Nga có vẻ vẫn chưa muốn sử dụng đến loại vũ khí tối thượng là lĩnh vực năng lượng của nước này trong cuộc chiến. Việc giảm bớt lượng khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất của Đức và các biện pháp trừng phạt đối với xe ô tô và phụ tùng ô tô sẽ làm ảnh hưởng đến quy mô khá lớn của ngành ô tô nước này, vốn đang hướng tới việc xuất khẩu mạnh sang thị trường Moscow.

Trước tình hình hiện nay, Nga đã thực hiện một chương trình tìm kiếm các nhà cung cấp thực phẩm mới như Brazil để bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa. Nhưng việc thiết lập quan hệ thương mại mới sẽ đòi hỏi thời gian và nỗ lực rất nhiều trước khi những mặt hàng này tìm được lối vào siêu thị.

Hạ Nhi (theo CNN)