📞

Nga hành động nhằm chấm dứt tình trạng ẩn danh trong thế giới tiền điện tử

Hải An 08:54 | 22/02/2022
Nga là một trong những quốc gia khai thác tiền điện tử hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giới chức Moscow từ nhiều năm qua lo ngại rằng hình thức này có thể bị lợi dụng vào những mục đích bất hợp pháp.
Bộ Tài chính Nga đã đệ trình dự thảo luật liên quan quản lý tiền điện tử, trong đó xác định cụ thể khách hàng và giới hạn đầu tư. (Nguồn: cryptonetwork.news)

Tháng 1/2021, Ngân hàng trung ương Nga đã đề xuất một lệnh cấm hoàn toàn đối với tiền điện tử, nhưng Bộ Tài chính lại muốn thúc đẩy và điều chỉnh lĩnh vực này nhằm thu hút đầu tư. Do đó, họ cấp bách soạn thảo các quy định nhằm kiểm soát đồng tiền này.

Ngày 21/2, Bộ Tài chính Nga đã đệ trình dự thảo luật liên quan quản lý tiền điện tử, trong đó xác định cụ thể khách hàng và giới hạn đầu tư.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Nga nêu rõ: "Những thay đổi được đề xuất nhằm tạo ra một thị trường hợp pháp cho tiền tệ kỹ thuật số với việc thiết lập các quy tắc về việc lưu hành đồng tiền này và phạm vi của những người tham gia”.

Theo dự luật trên, tiền điện tử sẽ chỉ được phép sử dụng như một công cụ đầu tư.

Dự luật cũng nêu rõ, các sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế cần có giấy phép, nếu hoạt động tại Nga.

Bộ Tài chính Nga nhấn mạnh: "Các hoạt động liên quan đến việc mua hoặc bán tiền điện tử sẽ chỉ được phép thực hiện nếu xác định rõ danh tính khách hàng”.

Động thái này được đánh giá là một bước đi nhằm chấm dứt tình trạng ẩn danh – lâu nay vốn được xem là một lợi thế quan trọng trong thế giới tiền điện tử.

Ngoài ra, dự thảo luật còn đề xuất áp dụng các bài kiểm tra về kiến thức đối với những người mong muốn đầu tư tiền kỹ thuật số. Sau khi vượt qua các bài sát hạch, người dân Nga sẽ có thể đầu tư vào tiền kỹ thuật số với khoản tiền lên tới 600.000 Ruble (7.700 USD) một năm.

Trong trường hợp họ không thực hiện bài kiểm tra, giới hạn đầu tư sẽ chỉ là 50.000 Ruble.

Các nhà chức trách Nga đã cấp phép đối với loại hình tiền điện tử vào năm 2020, tuy nhiên, đồng tiền này hiện chưa được hợp thức hóa trong sử dụng để thanh toán.

(theo Reuters)