Nga, Trung Quốc và nhiều nước lên tiếng vụ không kích tiêu diệt Thiếu tướng Soleimani sáng ngày 3/1 của Mỹ. (Nguồn: Daily Post) |
Hãng thông tấn Syria SANA dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh, Syria chắn chắn rằng "hành động gây hấn hèn nhát này của Mỹ sẽ chỉ càng củng cố quyết tâm đi theo con đường kháng chiến của các vị chỉ huy liệt sĩ này".
Đặc biệt, trong những người thiệt mạng do vụ tấn công của Mỹ có người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani và chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã lên án "vụ ám sát" này, đồng thời nhấn mạnh, vụ tấn công này là hành động xâm lược đối với Iraq và xâm phạm chủ quyền của quốc gia. Hành động của Mỹ sẽ dẫn đến chiến tranh ở Iraq, khu vực và thế giới.
Cũng theo Thủ tướng Mahdi, cuộc tấn công trên cũng vi phạm các điều kiện về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq và nên được xử lý bằng pháp luật bảo vệ an ninh và chủ quyền của Iraq. Ông Mahdi cũng kêu gọi Quốc hội Iraq triệu tập một phiên họp đặc biệt.
Về phía Nga, các hãng thông tấn RIA Novosti và TASS đã dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này nhận định: "Vụ sát hại Tướng Soleimani là bước đi mạo hiểm sẽ làm leo thang căng thẳng trên toàn khu vực. Vụ Soleimani được xem là lý do bảo vệ các lợi ích quốc gia của Iran. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến người dân Iran".
Cùng ngày, Bộ trưởng châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin cho rằng việc Mỹ sát hại Thiếu tướng Soleimani khiến thế giới trở nên "nguy hiểm hơn". Theo bà Montchalin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ sớm tham vấn "các bên liên quan trong khu vực".
Bà Montchalin nhấn mạnh: "Trong những hoạt động như vậy, khi chúng ta có thể chứng kiến một sự leo thang đang tiếp diễn, nhưng điều chúng ta mong muốn trên hết là ổn định và xuống thang. Mọi nỗ lực của Pháp... ở tất cả các khu vực trên thế giới là nhằm đảm bảo rằng chúng ta sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho hòa bình và ít nhất là sự ổn định".
Trong một động thái khác, Đại sứ quán Pháp tại Tehran cùng ngày đã hối thúc các công dân nước này tránh các hoạt động tụ tập nơi công cộng sau vụ không kích của Mỹ. Tuyên bố của Đại sứ quán Pháp trên mạng xã hội Twitter viết: "3 ngày quốc tang đã được tuyên bố sau cái chết của Tướng Soleimani. Trong bối cảnh này, chúng tôi đề nghị các công dân Pháp tránh xa bất cứ hoạt động tụ tập nào và cư xử với thái độ thận trọng, khôn khéo và tránh chụp ảnh ở những nơi công cộng".
Về phía Israel, quân đội nước này đã tuyên bố đóng cửa một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Cao nguyên Golan bị sáp nhập do lo ngại hành động tấn công của các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Lebanon hoặc Syria sau vụ không kích của Mỹ
Cũng trong ngày 3/1, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, "đặc biệt là Mỹ" sau động thái không kích tiêu diệt Thiếu tướng Soleimani sáng cùng ngày.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: "Trung Quốc luôn phản đối sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ, kiềm chế và bình tĩnh để tránh leo thang căng thẳng hơn nữa".
Ông Cảnh Sảng cũng nhấn mạnh rằng, chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq phải được tôn trọng. Ông nêu rõ Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và "các chuẩn mực cơ bản của các quan hệ quốc tế".
Trung Quốc, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một đối tác quan trọng và là nước nhập khẩu chính dầu mỏ của Iran. Trung Quốc cũng là một trong các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran, mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, mà Mỹ đã rút.