📞

Nga khẳng định không loại trừ cuộc họp ba bên với Armenia và Azerbaijan trong chương trình nghị sự

Hải An 06:36 | 24/12/2022
Các nhà lãnh đạo ba nước Nga, Armenia và Azerbaijan đã nhiều lần điện đàm, gặp mặt để thảo luận về bước tiếp theo nhằm thực hiện các thỏa thuận.
Từ trái sang: Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc gặp tại Sochi, Nga, ngày 31/10. (Nguồn: TASS)

Ngày 23/12, Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov tuyên bố, cuộc họp ba bên giữa Nga, Armenia và Azerbaijan không bị loại trừ trong chương trình nghị sự và Moscow sẵn sàng tổ chức cuộc gặp này.

Phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Chúng tôi không loại trừ khỏi chương trình nghị sự cuộc gặp ba bên này với sự tham gia của đồng sự Armenia. Chúng tôi khẳng định sẵn sàng tổ chức sự kiện này với những người bạn của chúng tôi tại Moscow...

Chủ đề hiệp ước hòa bình đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên. Chúng ta càng thường xuyên đóng góp vào việc thúc đẩy tiến trình đàm phán thì các vấn đề đang được quan tâm hiện nay cũng sẽ càng sớm được giải quyết".

Trước đó, ngày 26/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các bước tiếp theo nhằm thực hiện các thỏa thuận 3 bên giữa Nga, Azerbaijan và Armenia, với trọng tâm là dỡ bỏ rào cản giao thông và thúc đẩy quan hệ kinh tế trong khu vực.

Liên quan căng thẳng Armenia-Azerbaijan, theo hãng thông tân RIA, trong cuộc gặp ngày 31/10 giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi (Nga), các nhà lãnh đạo đã đạt được tuyên bố chung.

Theo đó, Armenia và Azerbaijan nhất trí không sử dụng vũ lực, đồng thời tuân theo các thỏa thuận trước đó nhằm chấm dứt giao tranh.

Vào tháng 9 năm nay, quân đội Azerbaijan và Armenia đụng độ ở biên giới, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Đây là cuộc giao tranh tồi tệ nhất giữa hai nước kể từ cuộc xung đột năm 2020. Các cuộc đụng độ diễn ra bất chấp các thỏa thuận trong cả hai năm 2020 và 2021 nhằm tìm ra giải pháp hòa bình.

Xung đột có liên quan đến quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh, vùng núi được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có phần lớn dân số là người Armenia và đòi độc lập khỏi Azerbaijan vào thập niên 1990. Kể từ đó, Nagorno-Karabakh là khu vực tự quản và nhận được sự hỗ trợ từ Armenia.

(theo TASS, TTXVN)