Đầu đạn W76-2 hiện đã được trang bi chính thức cho tên lửa đạn đạo Trident trên một số tàu ngầm hạt nhân đang làm nhiệm vụ trên biển. (Nguồn: CNN) |
Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov cho rằng, việc triển khai đầu đạn W76-2 dưới danh nghĩa tăng cường răn đe khiến Nga rất quan ngại về chiến lược hạt nhân của Mỹ.
Trước đó, ngày 4/2, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Hải quân nước này đã triển khai đầu đạn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm công suất thấp, điều mà Lầu Năm Góc cho là cần thiết để răn đe những "kẻ thù" như Nga.
Theo ông Ryabkov, Nga đang tái vũ trang và "các mẫu thiết bị quân sự hứa hẹn" cũng có nghĩa là các đầu đạn của Mỹ không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga song vẫn liên quan.
"Sự xuất hiện đầu đạn năng lượng thấp trên các tàu sân bay chiến lược nghĩa là những lập luận trước đây của Mỹ về khả năng sử dụng thiết bị như vậy đang được thực hiện thực sự. Điều này phản ánh thực tế rằng, Mỹ thực sự đang hạ thấp ngưỡng hạt nhân và họ đang thừa nhận khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế và chiến thắng trong cuộc chiến này. Điều này vô cùng đáng báo động", ông Ryabkov nói.
Những nghi ngờ của Nga đối với chính sách hạt nhân Mỹ nảy sinh kể từ khi Washington rút khỏi hiệp định vũ khí chiến lược mang tính bước ngoặt, Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tháng 8/2019, viện dẫn các vi phạm của Nga, điều mà Moscow phủ nhận. Diễn biến này đồng nghĩa với việc Hiệp ước START mới, ký năm 2010, là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Cũng trong ngày 5/2, trong buổi lễ trình Thư ủy nhiệm tại tại Điện Kremlin để chào đón 23 đại sứ nước ngoài mới đến Moscow, trong số này có Đại sứ Mỹ John Sullivan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay: "Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại có ý nghĩa với phía Mỹ, kể cả trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược".
Trong bối cảnh đó, cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí, về vấn đề hạt nhân mà rất quan trọng đối với sự an toàn của thế giới và tất cả các quốc gia, chứ không chỉ là Nga và Mỹ".
Theo ông O’Brien, trọng tâm của các cuộc đàm phán sẽ có thể là mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) - hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại có hiệu lực giữa Nga và Mỹ.
Được ký vào năm 2010, START mới giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai ở mức 1.550 cho mỗi bên. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 và cho đến nay Mỹ không cam kết gia hạn hiệp ước. Các quan chức chính quyền của Tổng thống Trump muốn đàm phán một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới mà bao gồm cả Trung quốc, Anh và Pháp.