📞

Nga mở rộng hợp tác quân sự

19:12 | 12/06/2010
Hiện nay Nga đã hợp tác kỹ thuật quân sự với hơn 80 nước trên thế giới và đã cung cấp các sản phẩm quân sự cho 62 nước. Tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga năm 2009 đạt khoảng 8,8 tỷ USD, dự kiến năm 2010 sẽ tăng lên trên 9 tỷ USD. Các nhà nghiên cứu thị trường kỹ thuật quân sự quốc tế đã chỉ ra những đặc điểm mới trong quan hệ thị trường giữa Nga với các nước.

Nga – NATO

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm NATO đã phải cắt giảm khá lớn chi phí cho hoạt động của mình, ảnh hưởng tới dự án thiết kế các mẫu vũ khí, kỹ thuật quân sự mới. Chi phí cho việc tham chiến tại Afghanistan đã làm thâm hụt khoảng 720 triệu EURO ngân sách của NATO. Điều đó làm cho các nhà lãnh đạo NATO phải kêu gọi sự giúp đỡ từ những nước đối tác trong đó có Nga. Trước đây quan hệ Nga - NATO nhiều lúc đã trở nên căng thẳng, đặc biệt khi NATO có ý định kết nạp Gruzia và một số nước thuộc Liên Xô vào NATO. Sau đó triển vọng quan hệ hợp tác Nga - NATO đã được đẩy lên thông qua các cuộc hội đàm, điểm nhấn là cuộc gặp gỡ giữa Tổng tư lệnh NATO với Tổng thống Nga Medvedev và Thủ tướng Nga Putin tháng 12/2009 để bàn về các vấn đề mở rộng NATO và hợp tác kỹ thuật quân sự trong tương lai.

 

Trong 3 năm trở lại đây, NATO đã có tổng giờ bay tác chiến là trên 11,6 nghìn giờ và vận chuyển 67,8 nghìn tấn hàng hoá. Trong khi đó, nhu cầu bay của NATO cao hơn nhiều nên NATO đã tính tới khă năng hợp tác với Nga vì Nga có hàng loạt các loại máy bay chuyên dụng có thể đáp ứng điều này. Hiện nay NATO chú ý tới máy bay vận tải quân sự hạng nặng “Mi-26” của Nga, loại máy bay này không có trên thị trường của châu Âu. Cuối năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama đã đích thân nhờ máy bay vận tải quân sự Mi-26T của Nga để vận chuyển lính Mỹ tới Afghanistan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hợp tác về quân sự giữa Nga và NATO cho đến nay vẫn chưa có kết quả nào đáng kể.

 

Nga sẽ tham gia vào cuộc triển lãm vũ khí - kỹ thuật quân sự “MBCB 2010” trong khuôn khổ Diễn đàn thế giới “Kỹ thuật sản xuất máy móc - 2010” của NATO từ ngày 30/6 - 4/7/2010 với mục đích tìm kiếm cơ hội để phát triển các nhà máy chế tạo cơ khí, mở rộng số lượng danh mục các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu và hiện đại hoá một số nghành công nghiệp công nghệ cao của Nga.

 

Nga - Trung Quốc

 

Trong 2 năm vừa qua Nga và Trung Quốc đã có những bước đi mang tính đột phá trong quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự. Năm 2008, hai nước đã ký kết quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng trong hoạt động hợp tác kỹ thuật quân sự chung. Tháng 9/2009, Nga đã thành lập văn phòng đại diện về hợp tác kỹ thuật quân sự tại Bắc Kinh. Theo Nga, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn trên các hướng sau: Máy bay quân sự, máy bay vận tải quân sự, hải quân, phòng không và các dịch vụ sau khi chuyển giao công nghệ. Hướng hợp tác quan trọng là hiện đại hoá trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng các loại vũ khí khác nhau. Ngoài ra, Nga có thể tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về hợp đồng mua bán tàu đổ bộ đệm không khí “Dubr”.

 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể kể từ năm 2006 đến nay Nga và Trung Quốc không ký kết được hợp đồng lớn bởi Nga không đồng ý với quan điểm của Trung Quốc là dựa trên nguyên tắc lựa chọn, không đồng bộ khi Trung Quốc mua vũ khí, kỹ thuật quân sự của Nga. Các chính trị gia Nga cũng lo ngại rằng với đường biên giới chung dài trên 4.000km2, việc Moscow cung cấp các loại vũ khí tối tân cho Bắc Kinh sẽ gây nguy hiểm cho Nga trong trường hợp quan hệ Nga - Trung xấu đi. Tất nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia Nga, hiện nay, trình độ quân sự của Trung Quốc chưa đủ để gây nguy hại cho Nga, các nỗ lực chính của Bắc Kinh là nhằm giải quyết các vấn đề riêng.

 

Thành công trong sản xuất vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật của Nga được xác định trội hơn hẳn về tiêu chuẩn và hiệu qua so với các thiết bị của phương Tây. Tuy nhiên, việc mua các hệ thống vũ khí sẵn có của Nga được Trung Quốc xem như giải pháp tạm thời cho các lỗ hổng đối với các loại vũ khí hiện đại cụ thể. Với vị thế của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, mục tiêu của Bắc Kinh trong vòng từ 10-15 năm tới là chứng tỏ họ có thể tự sản xuất các loại vũ khí hiện đại riêng. Với khả năng “sao chép” của mình, nếu tiếp tục được cung cấp các trang thiết bị mẫu, Bắc Kinh hoàn toàn có thể tự sản xuất được nhiều loại vũ khí hiện đại chiến lược như của Nga và phương Tây và Nga đã ý thức được vấn đề này.

 

Nga - Ấn Độ

Hiện nay Ấn Độ là bạn hàng vũ khí chiến lược của Nga. Nga sẵn sàng cùng Ấn Độ nghiên cứu và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Gần đây, Nga đã bán cho Ấn Độ những loại vũ khí cao cấp hơn (trong đó có những loại mà Nga từ chối cung cấp cho Trung Quốc) hoặc tương đương để cân bằng cán cân quân sự trong khu vực. Nga cũng đang hợp tác với Ấn Độ trong nhiều dự án quân sự chiến lược khác. Thông qua Ấn Độ, Nga muốn hỗ trợ nước này trong nỗ lực duy trì cân bằng quân sự trong khu vực.

 

Và  một số nước khác

 

Nga - Brazil: Trong năm 2009, Nga đã có hợp đồng mua bán máy bay Su-35 thế hệ 4 ++ với Brazil và cùng với Công ty của nước này nghiên cứu chế tạo máy bay thế hệ thứ 5, nhưng theo thông báo của Brazil thì những bản hợp đồng này đến nay vẫn chưa được thực hiện.

 

Nga - Belarus:  Nga và Belarus đã có quan hệ hợp tác chiến lược kỹ thuật quân sự từ những năm 1993. hiện nay hai nước đã có nhà máy công nghiệp quốc phòng chung. Quân đội Belarus hiện đang sử dụng rất nhiều các loại vũ khí của Nga sản xuất. Ngoài ra hai nước còn cùng nhau hợp tác nghiên cứu, sửa chữa, bảo dưỡng một số sản phẩm vũ khí quân sự.

 

Nga - Việt: Nga xác định Việt Nam vẫn là bạn hàng truyền thống của Nga từ thời Liên Xô. Nga đang tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực quân sự. Theo một tài liệu nước ngoài cho biết cuối năm 2009, Nga đã ký hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm lớp kilo thế hệ thứ 5 cùng một số máy bay chiến đấu hiện đại cho Việt Nam. Nga còn sẵn sàng bán cho Việt Nam cả các loại vũ khí chiến lược như hệ thống Bastion - P, giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân. Hải quân Nga cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp Hải quân Việt Nam trong việc xây dựng căn cứ đồn trú tàu ngầm và nâng cấp lực lượng hàng không trên biển giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển của mình ở biển Đông - khu vực đang có những diễn biến phức tạp gần đây.                   

 

Nguyễn Nhâm(Tổng hợp từ báo chí nước ngoài)