📞

Nga-Moldova căng nhau, EU tố khí đốt bị 'vũ khí hóa'

Việt Hà 07:50 | 29/10/2021
Ngày 28/10, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng, Moldova là nạn nhân của các nỗ lực mà Nga tiến hành nhằm lợi dụng khí đốt như một "vũ khí chính trị".
Đại diện cấp cao EU Josep Borrell (phải) và Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita trong cuộc họp báo chung ở Bỉ ngày 28/10. (Nguồn: G4media)

Phát biểu họp báo cùng với Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita tại thủ đô Brussels (Bỉ), ông Borrell nhấn mạnh: "Trong thuật ngữ toàn cầu nói chung, sự gia tăng giá cả trên toàn thế giới không phải là hệ quả của việc vũ khí hóa nguồn cung cấp khí đốt, song trong trường hợp của Moldova, thì điều đó lại đúng".

Theo quan chức cấp cao EU, trong trường hợp của Moldova, "các đặc điểm chính trị phải được tính đến ... Việc tăng giá đột ngột đối với Moldova liên quan tới các vấn đề chính trị, điều này cần sự hỗ trợ của chúng ta".

Trước đó, ngày 26/10, tờ Financial Times đưa tin, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã đề nghị Moldova về một thỏa thuận khí đốt rẻ hơn nhằm đổi lấy việc Moldova điều chỉnh thỏa thuận thương mại tự do với EU và trì hoãn việc cải cách thị trường năng lượng đã nhất trí với Brussels.

Tuy nhiên, bất chấp các cáo buộc này, ngày Điện Kremlin cho biết, các cuộc đàm phán khí đốt giữa Nga và Moldova đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thương mại, bác bỏ các thông tin cho rằng, Nga có ý đồ chính trị.

Trong diễn biến khác, trả lời báo chí về khả năng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 28/10, Tổng thống Moldova Maia Sandu khẳng định ủng hộ sự phát triển tích cực hơn trong quan hệ với Moscow.

Bà Sandu nói: “Cần có những bước đi cụ thể để đạt được những tiến bộ trong quan hệ song phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tăng cường các giải pháp cho các vấn đề trong chương trình nghị sự song phương”.

Cũng theo Tổng thống Moldova, bà nhiều lần thảo luận với Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Kozak về khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh: “Chúng tôi đi đến kết luận rằng trước khi thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh, cần phải ghi nhận những tiến bộ trong các chương trình nghị sự của quan hệ song phương. Đây là cách tiếp cận được cả hai bên ủng hộ”.

Người tiền nhiệm của bà Sandu, cựu Tổng thống Moldova Igor Dodon đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với giới lãnh đạo Nga, nhờ đó mang đến nhiều nhượng bộ và lợi ích cho nước cộng hoà này.

Đáng chú ý, bà Maia Sandu, người đã nắm quyền Tổng thống Moldova hơn 1 năm nhưng chưa từng đến thăm Nga.

(theo Reuters)