📞

Nga – Mỹ:“Canh bạc” ở Trung Á

22:18 | 14/02/2009
Mátxcơva đã có một canh bạc chính trị mạo hiểm với tân Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua việc ép đồng minh Kyrgyzstan đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ trong khi vẫn đề nghị thiết lập quan hệ nồng ấm hơn với Washington.
Tổng thống Nga Medvedev (phải) và người đồng nhiệm Kyrgyztan Kurmanbek Bakiyev bắt tay sau lễ ký tại điện Kremlin, ngày 3/2.
 

Kremlin và con bài Kyrgyzstan

 

Ngày 4/2, Nga đã thông báo một khoản cứu trợ tài chính cho nhóm các nước đồng minh thuộc Liên Xô trước đây và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể đã đạt được thỏa thuận thành lập một lực lượng phản ứng nhanh trong khu vực, lực lượng mà Nga cho biết có thể đạt được các tiêu chuẩn của khối NATO. Trước đó, vào ngày 3/2, theo “gợi ý” (bằng chứng là khoản tín dụng trị giá 2 tỉ USD của Nga), Kyrgyzstan công bố buộc Mỹ rời khỏi căn cứ không quân Manas, gần Thủ đô Bishkek, trung tâm hậu cần then chốt của quân đội Mỹ ở Afghanistan. Động thái này là một thách thức lớn đối với chính quyền của Tổng thống Obama, vốn xem Afghanistan là ưu tiên đầu tiên trong chính sách đối ngoại và đang xúc tiến kế hoạch tăng gấp đôi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây.

 

Nga coi Trung Á nằm trong tầm ảnh hưởng truyền thống của mình và lo ngại trước sự hiện diện ngày càng tăng của phương Tây ở khu vực này. Trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo khu vực đang tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của Nga, Nga tiến hành những biện pháp nhằm củng cố quyền kiểm soát đối với khu vực, trong đó có các hợp đồng năng lượng cũng như tăng cường hợp tác quân sự và an ninh. Đề xuất viện trợ cho Kyrgyzstan để đổi lấy việc đóng cửa căn cứ Manas là cơ hội lý tưởng để Mátxcơva thiết lập ảnh hưởng trọn vẹn đối với nước này.

 

“Quả thực, Trung Á là một khu vực nơi các cường quốc chơi bóng chày. Kyrgyzstan quá nhỏ bé để có thể lờ đi các thực thể địa chính trị. Và thực tế là Bishkek không thể chơi bóng chày với các cường quốc. Manas là một điểm nhức nhối đối với Nga và Trung Quốc khi nó cho phép quân đội Mỹ có khả năng “nhúng mũi” vào các hoạt động quân sự của cả Nga và Trung Quốc”

 (Rakesh K. Simha, nhà bình luận của tạp chí India Empire)

  Báo chí thế giới cho rằng quyết định đóng cửa căn cứ quân sự Manas của Kyrgyzstan là một phép thử đối với tân Tổng thống Mỹ và thông điệp của Nga chuyển tới ông Obama cũng rất rõ ràng: Nếu Mỹ muốn giúp Trung Á trong cuộc chiến chống lại Taliban thì Mỹ phải bàn thảo trước tiên với Nga. Nhà phân tích độc lập Arkady Dubnov cho rằng quyết định này có thể được hiểu như đề nghị của Mátxcơva yêu cầu Tổng thống Obama xem lại “luật chơi” ở khu vực này: “Tôi có cảm giác rằng phía Nga muốn đề xuất một khuôn khổ hợp tác mới, trong đó Nga đại diện khu vực để liên hệ với Mỹ”.

 

Tuy nhiên, “nước cờ” của Nga cũng khiến giới phân tích tỏ ra khá bất ngờ. Bởi nhiều chuyên gia cho rằng nỗ lực đánh bại Taliban của NATO là một trong số ít lợi ích tương đồng giữa Washington và Mátxcơva. Vốn lo ngại trước nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan từ Afghanistan sang nước láng giềng Trung Á, Mátxcơva đã ủng hộ chiến dịch của liên quân do Mỹ cầm đầu ở Afghanistan từ năm 2001. Thậm chí, Nga gợi ý có thể cho phép NATO vận chuyển hàng hóa hậu cần phi quân sự qua lãnh thổ nước này đến Afghanistan, bất chấp quan hệ băng giá với NATO sau cuộc chiến với Gruzia hồi tháng 8/2008.

 

Washington “tung hỏa mù”

 

Sự nghiêm trọng của con bài Kyrgyzstan làm cho các quan chức Lầu Năm Góc lúng túng, mặc dù họ đã lường trước những mối đe dọa tương tự. Một quan chức quân sự cấp cao cho biết, giới quân sự Mỹ từng nghĩ rằng đó là “một thủ thuật đàm phán”, nhưng lần này “rõ ràng không phải là trò đùa, mà họ muốn chúng ta ra khỏi khu vực đó”. Hiện các quan chức Mỹ đang chờ xem Quốc hội Kyrgyzstan có chính thức phê chuẩn hiệp định này hay không.

 

Phản ứng ban đầu của Mỹ là “im lặng”. Quân đội Mỹ đang tiếp tục đàm phán với Chính phủ Kyrgyzstan về số tiền thuê căn cứ nhằm tạo khả năng đi đến thỏa hiệp. Ngoài ra, Washington tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế nhằm giảm bớt thiệt hại của việc mất căn cứ Manas. Trước tiên, Washington “ve vãn” Uzbekistan để được phép sử dụng lại căn cứ không quân Karshi, căn cứ lớn của Liên Xô trước đây mà Washington dùng trong giai đoạn đầu của chiến dịch Afghanistan. Tổng thống Islam Karimov - người đã trục xuất quân đội Mỹ khỏi Karshi sau khi bị phương Tây lên án ông đàn áp đẫm máu phe đối lập ở Andizhan năm 2005 - đang bỏ ngỏ quyết định của mình.

 

 “Nga muốn khẳng định lại mình tại khu vực này và Nga đang tận dụng cơ hội khủng hoảng tài chính để viện trợ cho các nước láng giềng nghèo hơn, khi nguồn vốn của họ ngày càng cạn kiệt do giá dầu giảm.”

 (Nikolai Zlobin, chuyên gia cao cấp của Viện an ninh thế giới có trụ sở tại Washington)

Tuy vậy, Washington không phải không biết những lợi thế của mình ở Trung Á. Các chuyên gia cho rằng Mỹ đang nhắm vào những khác biệt lợi ích trong quan hệ Nga với các nước Trung Á để mở rộng sự có mặt quân sự của mình, thực hiện quyết tâm của Tổng thống Obama giải quyết dứt điểm cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Có thể lãnh đạo ba nước Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan sẽ đồng ý với đề nghị của đối tác nào đáp ứng lợi ích của họ. Tổng thống Kyrgyzstan có khả năng trì hoãn quyết định chấm dứt căn cứ quân sự Mỹ. Tổng thống Tajikistan “khó chịu” với Nga về vấn đề nguồn nước Trung Á, tỏ ý muốn cho Mỹ thuê lãnh thổ để tăng vận chuyển hàng liên quân NATO ở Afghanistan. Tajikistan  đang rất cần viện trợ để khắc phục khó khăn về năng lượng nên cũng có thể chấp nhận yêu cầu lập căn cứ quân sự của Mỹ. Còn Uzbekistan vẫn có thể ra khỏi Tổ chức An ninh tập thể (ODKB) sau khi rút khỏi Tổ chức Cộng đồng kinh tế Á - Âu (EvrrAzES) cuối năm 2008.

 

Tờ IHT cho rằng Washington đang chơi chiến thuật “tung hỏa mù”, đánh lạc hướng dư luận, thâm tâm muốn giữ bằng được căn cứ quân sự ở Manas, nhưng bề ngoài tích cực tìm phương án thay thế, tìm cớ tiếp cận với các nhà lãnh đạo Tajikistan và Uzbekistan để mở thêm căn cứ.

 

“Ván bài” giữa Nga và Mỹ ở Trung Á xem ra sẽ khó có hồi kết khi chẳng ai chịu “kém miếng”, khi “chiến trận” không chỉ trên lĩnh vực an ninh mà ở rất nhiều phương diện khác.

 

Châu Long(tổng hợp)