📞

Nga - Nhật: Mọi nẻo đường đều dẫn đến Kuril

09:41 | 17/01/2019
Lập trường không khoan nhượng của cả Nga và Nhật Bản về vấn đề quần đảo Kuril/vùng lãnh thổ phương Bắc vẫn là bài toán khó giải, song nhiều “tham số” mới đã xuất hiện…

Kuril hay vùng lãnh thổ Phương Bắc, theo cách gọi của các bên, tiếp tục là hòn đá tảng, chắn đà tiến bước của quan hệ Nga – Nhật.

Moscow cho rằng vấn đề quần đảo Kuril, bao gồm bốn đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai trong biển Okhotsk, thuộc chủ quyền của mình là không cần phải bàn cãi và tiếp tục thúc đẩy việc ký kết hiệp định hòa bình sau Chiến tranh Thế giới II, vốn bị đình trệ từ năm 1945.

Trong khi đó, Tokyo lại khẳng định rằng tranh chấp này cần phải được giải quyết trước tiên. Lập trường khác biệt của hai bên được thể hiện rõ nét trong chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. (Nguồn: AP)

Nga căng, Nhật cứng

Hồi tháng 11/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đồng ý thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp trên cơ sở đề xuất năm 1956 của Liên bang Xô viết, nhượng lại hai trong số các hòn đảo cho Tokyo. Ngày 4/1 vừa qua, ông Abe đã thể hiện sự lạc quan khi cam kết giải quyết vấn đề “trong thế hệ này” theo hướng có lợi cho Nhật Bản. Ông cũng khẳng định Tokyo sẽ xem xét đơn phương bồi thường cho cư dân trên các đảo được trả lại cho Nhật Bản,  những người chịu thiệt hại do tranh chấp giữa hai bên.

Tuyên bố bất ngờ này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích của những người theo chủ nghĩa dân tộc nhắm vào Kremlin. Trong một động thái xoa dịu, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản và cảnh báo Tokyo “không nên kích động dự luận về chủ đề hiệp định hòa bình và tìm cách áp đặt quan điểm để giải quyết vấn đề”.

Tương tự, thái độ cứng rắn này của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov một lần nữa cho thấy rằng thực tế không lạc quan đến như vậy. Trong tuyên bố sau cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định: “Chủ quyền của Nga đối với quần đảo này không phải là chủ đề có thể thảo luận. Khu vực này là một phần của Liên bang Nga”.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Ngoại trưởng Nga cũng thu hút sự chú ý khi đề cập đến phát biểu của cố vấn Thủ tướng Shinzo Abe, người cho rằng giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản có thể giúp Mỹ và Nhật Bản hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Quan điểm này coi Bắc Kinh là mối đe dọa lớn hơn so với Moscow và hiệp định hòa bình là cách để cải thiện vị thế của Tokyo trong khu vực. Ông Lavrov cho rằng lập luận như vậy là “đáng trách”, đồng thời tỏ hoài nghi về tính độc lập trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Ông cũng quan ngại trước việc Mỹ tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực, bao gồm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đe dọa tới Nga và Trung Quốc. Hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định sẽ không cho phép Mỹ xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo được hoàn trả, dù chỉ năm tháng trước đó Nhật Bản thông báo sẽ sớm lắp đặt hai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao lớp Aegis do Mỹ sản xuất.

Về phần mình, mở đầu cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cũng thể hiện sự kiên quyết khi cho rằng hai bên cần giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Kuril trước khi mở rộng hợp tác. Song thái độ của Moscow khiến vị khách đến từ Tokyo bất ngờ và buộc phải sắp xếp thời gian cho một cuộc hội đàm riêng về vấn đề chủ quyền trong cùng ngày 14/1. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền quần đảo Kuril đã tồn tại gần 75 năm và một buổi trò chuyện ngắn giữa hai Ngoại trưởng khó có thể phá vỡ thế bế tắc đó.

Phá đá mở đường

Điểm tích cực hiếm hoi mà hai Ngoại trưởng đã làm được có thể là cả hai bên đã nỗ lực thu xếp và chuẩn bị cho chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, dự kiến diễn ra vào ngày 22/1 tới. Truyền thông của Nga chỉ mới hé lộ hai Nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo về “thực trạng và tương lai hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế và nhân đạo”.

Song, ai cũng hiểu, với Nhật Bản và Nga, mọi nẻo đường đều dẫn về Kuril: tranh chấp chủ quyền liên quan đến hòn đảo này sẽ là tâm điểm thảo luận sắp tới của ông Abe và ông Putin. Trong khi hai bên tiếp tục không thay đổi lập trường thì thảo luận này chắc hẳn sẽ khó đạt được thành quả cụ thể.

Ngay cả khi Nga đồng ý với đề xuất của Nhật Bản, điều đó cũng mở ra lộ trình cực kỳ khó khăn, thiếu vắng sự ủng hộ của người dân và ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh “cứng rắn” thường thấy ở ông Putin. Quan trọng hơn, Moscow đã rút ra bài học bị NATO áp sát ở phía Tây nên không dễ nhượng bộ ở sườn phía Đông. Hòa bình chỉ đến khi các bên có thiện chí và lợi ích được đảm bảo về lâu dài.

Xét trên góc độ lợi ích trước mắt, việc xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác kinh tế với Tokyo cũng giúp Moscow giảm thiểu khó khăn do bị Washington áp đặt cấm vận. Thêm vào đó, nếu ký kết hiệp định hòa bình, Nga sẽ chính thức đặt dấu chấm hết không chỉ cho tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, mà còn cho cả cuộc Chiến tranh Thế giới II.

Gỡ bỏ hòn đá cản đường quan hệ Nga - Nhật, hay tiếp tục quay lưng lại với Tokyo vì lợi ích chủ quyền quốc gia sẽ là bài toán khó mà Tổng thống Vladimir Putin cần tìm lời giải. Mọi lựa chọn khó khăn đều đòi hỏi ý chí mạnh mẽ. 75 năm tranh chấp liệu đã đủ độ dài trong lịch sử để nhà lãnh đạo bản lĩnh này của nước Nga đưa ra sự lựa chọn của mình, ngõ hầu đặt một dấu ấn lưu danh?