Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng nước này đã phá hủy nhiều cơ sở chỉ huy quân sự của Ukraine tại Donbass và Mykolaiv. (Nguồn: National Interest) |
Các hãng thông tấn của Nga dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết các lực lượng Nga đã phá hủy 5 sở chỉ huy quân sự của Ukraine ở 2 vùng Donbass và Mykolaiv bằng vũ khí có độ chính xác cao và tấn công 3 cơ sở dự trữ ở thành phố Zaporizhzhia, phía Đông Nam Ukraine.
Theo thông báo, lực lượng không quân Nga đã tấn công một cơ sở vũ khí và trang thiết bị của Ukraine tại một nhà máy sản xuất máy kéo ở Kharkiv, phía Đông Bắc Ukraine.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo Tổng Tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov đã thị sát các đơn vị quân đội Nga tham gia “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Bộ trên đã công bố những bức ảnh của ông Gerasimov trong chuyến thị sát. Hiện chưa rõ thời điểm diễn ra chuyến thị sát và liệu vị tướng này có đích thân tới Ukraine hay không.
Trong một diễn biến khác, sau tranh cãi liên quan đến việc Ukraine kêu gọi gạt bỏ Nga khỏi vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khi đó, Phó Đại diện thường trực Thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky cho rằng những phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba liên quan đến vụ Kiev kiện Moscow tại Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ (ICJ) là không đáng được chú ý một cách đặc biệt.
Ông Polyansky nói: “Tôi không nghĩ rằng tất cả những phát biểu đó của ông Kuleba đáng được chú ý quá nhiều. Nhưng, tất nhiên, chúng tôi đang tính đến tất cả những quy trình đó, bởi vì đây là một phần công việc của chúng tôi, chủ yếu là của các đồng nghiệp của tôi ở Moscow và La Haye, những người đang làm việc trong lĩnh vực này”.
Ông chia sẻ: “Mọi thứ ở đây quá phức tạp, và tất nhiên, nhiều vụ kiện đã được đệ trình mà chưa có kết quả khả quan. Các luật sư đại diện cho nhiều bên đang nỗ lực trong về vấn đề này, và thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, hồ sơ vụ kiện ngày càng trở nên khó hiểu hơn. Đó là lý do tại sao những nỗ lực của Ukraine để mô tả tất cả như một thỏa thuận đã hoàn tất chỉ là ảo tưởng”.
Cũng theo ông Polyansky, mục tiêu chính trong những bước đi của Ukraine là chứng minh cho cộng đồng phương Tây thấy rằng Nga đã hành động một cách phi lý.
Trước đó, hôm 26/2, Ukraine đã đệ đơn lên ICJ, cáo buộc Nga vi phạm Công ước năm 1948 về ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng.
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã diễn ra suốt 4 tháng qua, và mới đây, tạp chí Politico có bài bình luận cho biết, các nhà lãnh đạo phương Tây ủng hộ Kiev lo ngại rằng, người dân ở các nước này có thể sớm cảm thấy mệt mỏi với cuộc chiến ở Ukraine và chuyển trọng tâm sang những vấn đề trong nước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh NATO hôm 29/6. (Nguồn: Politico/AP) |
Bài bình luận có đoạn: “NATO vừa thể hiện sự đoàn kết chưa từng có khi đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất từ trước đến nay của liên minh. Câu hỏi hiện nay là sự thống nhất đó sẽ tồn tại trong bao lâu”.
Politico dẫn phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước báo giới ở Madrid (Tây Ban Nha) rằng phương Tây “sẽ gắn bó với Ukraine chừng nào còn có thể”. Bài báo nhận định: “Đó chắc chắn là tâm lý rộng rãi sau khi NATO đồng ý tăng cường năng lực phòng thủ một cách đáng kể, trong khi mở đường cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối. Tuy vậy, những vết nứt đang lộ rõ trên bức tường mà phương Tây xây nên”.
Cũng theo Politico, “các nhà lãnh đạo thế giới lo ngại rằng người dân của họ sẽ sớm không còn quan tâm đến cuộc chiến (ở Ukraine)”. Politico dẫn lời Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói: “Cuộc chiến đã diễn ra suốt 4 tháng nay. Do tình trạng lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, dịch bệnh Covid-19 vẫn tồn tại, cuộc chiến này đang trở nên khó giải quyết hơn”.
Politico cũng chỉ ra những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình trạng mệt mỏi của người dân Mỹ đối với cuộc chiến Ukraine. Đặc biệt, một cuộc thăm dò gần đây của YouGov cho thấy chỉ có 8% người Mỹ tin rằng nỗ lực khiến Nga bại trận ở Ukraine nên là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, trong khi hầu hết những người được hỏi đều muốn ông chủ Nhà Trắng “hạ thấp hoặc xóa bỏ lạm phát”.
Trước đó, Tổng thống Biden cho biết 50 quốc gia đã cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có các hệ thống chống tăng, 600 xe tăng, 500 hệ thống pháo, 600.000 quả đạn. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) dự định cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine với số tiền 1 tỷ Euro.
| Hội nghị thượng đỉnh NATO: phương Tây 'nắn gân' Nga, an ủi Ukraine, Mỹ thiết kế vòng vây chiến lược Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã chứng minh sức mạnh tập thể của NATO và quyết tâm của phương Tây trước Nga trong cuộc ... |
| Một nước Baltic kêu gọi phương Tây 'tẩy chay', không kinh doanh bất cứ thứ gì với Nga Ngày 12/6, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas lên tiếng đề nghị các nước phương Tây trừng phạt Nga bằng cách hạn chế quan hệ kinh ... |