📞

Nga phản ứng việc NATO mời Montenegro gia nhập Liên minh

11:11 | 04/12/2015
Ngay sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định mời Montenegro gia nhập khối này, Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng và đe dọa sẽ có các biện pháp đáp trả sự mở rộng của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu trong khu vực Balkan.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Bộ trưởng Ngoại giao Montenegro Igor Luksic trong cuộc họp báo tại trụ sở của NATO, ngày 2/12. (Nguồn: AP)

Ngày 2/12, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sau cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên NATO ở Brussels rằng, NATO đã quyết định mời Montenegro đàm phán làm thành viên thứ 29 của Liên minh này. Ông cho biết, đây là “một thành tựu lịch sử” của quốc gia từng là một phần của Liên bang Nam Tư. Quá trình hoàn tất thủ tục gia nhập NATO sẽ mất khoảng một năm.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo tuyên bố Moscow coi quyết định của NATO khởi động các cuộc đàm phán về kết nạp Montenegro là một bước đối đầu công khai - có thể đưa đến bất ổn cho hệ thống an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Đồng thời, Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov tuyên bố với các phóng viên rằng, Moscow sẽ xem xét các biện pháp trả đũa có thể. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov khẳng định, Nga sẽ đóng băng các dự án chung với Montenegro, bao gồm cả hợp tác quốc phòng.

Trước đó, hồi tháng 9/2014, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng tuyên bố, bất kỳ sự mở rộng nào của NATO đều là “sai lầm, thậm chí là hành động khiêu khích” và gọi chính sách mở cửa của NATO là “vô trách nhiệm”.

Đại diện cho nước đứng đầu NATO, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, liên minh này “không phải là một mối đe dọa cho bất kỳ ai” và chuyển chủ đề rằng, “Nga có thể là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria, miễn là nước này tập trung vào IS”.

Montenegro, một quốc gia nhỏ ven biển Adriatic, với dân số chỉ hơn 600.000 người, là một phần của Nam Tư và tách khỏi Serbia vào năm 2006. Nước này từng bị NATO đánh bom trong chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng của Tổng thống Slobodan Milosevic.

Sau khi Albani và Croatia gia nhập NATO năm 2009, chỉ còn duy nhất Serbia là đồng minh thân cận nhất với Nga tại khu vực Balkan không theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của NATO.

Minh Nhật (theo AP)