Nga đã phát triển công nghệ tái tạo giấc mơ. (Nguồn: Pixabay) |
Bộ phận truyền thông của Nền tảng sáng kiến công nghệ quốc gia (NTI, Nga) thông báo tin này với hãng tin RT. Được biết các nhà nghiên cứu đã phát triển giao diện kết nối “não - máy tính”, sử dụng điện não đồ và mạng thần kinh nhân tạo
Các nhà khoa học tin rằng từ năm 2025 họ có thể ghi lại giấc mơ của chính mình bằng thiết bị đo sóng não.
Dự án Công nghệ thần kinh hỗ trợ được tiến hành từ năm 2017 kết hợp với công ty NeuroNet NTI, mục tiêu chính là phát triển phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ, NTI cho biết.
“Giấc mơ của con người diễn ra trong giai đoạn REM (Rapid Eye Movement, giai đoạn ngủ nhưng mắt vẫn chuyển động nhanh), cũng chính là thời điểm não hoạt động mạnh. Chúng tôi khó có thể tái tạo lại giấc mơ một cách chi tiết, nhưng chúng tôi sẽ thành công trong việc xác định các trạng thái tâm lý: dễ chịu, khó chịu, ác mộng, gợi cảm, v.v... Tức là bạn sẽ có thể nhận ra những cảm xúc của mình trong mơ”, ông Vladimir Konyshev, thành viên của NeuroNet NTI, trưởng phòng thí nghiệm robot thần kinh MIPT giải thích.
NTI lưu ý rằng các thí nghiệm trong lĩnh vực tái tạo hình ảnh phát sinh trong não đã bắt đầu từ năm 2019. Những người tham gia được xem nhiều video khác nhau - với hình ảnh rượt đuổi, thác nước, khuôn mặt của mọi người - đồng thời ghi lại điện não đồ (EEG).
Kết quả thí nghiệm cho thấy đặc điểm tần số của hoạt động sóng (phổ) EEG đối với các loại video khác nhau cũng khác nhau nhiều. Ở giai đoạn thứ hai, những người tham gia thử nghiệm xem các video khác nhau nhưng có cùng chủ đề, trong khi đó mạng thần kinh nhân tạo phân tích dữ liệu EEG và tạo ra các khung để có thể xác định phân loại tình trạng não bộ (với độ chính xác là 90%).