Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Tổng thống Putin nêu rõ: "Nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), thì vấn đề quan trọng nhất là người Mỹ sẽ làm gì với các loại tên lửa này. Nếu chúng được đưa đến châu Âu, tất nhiên, Nga cần phải đáp trả một cách tương xứng".
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh: "Các nước châu Âu đồng ý cho Mỹ triển khai trên lãnh thổ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung... cần phải hiểu rằng họ đang đặt các lợi ích của mình trước mối đe dọa có thể bị tấn công tên lửa".
Theo ông Putin, không nên đẩy châu Âu rơi vào tình trạng mức độ nguy hiểm cao, đồng thời lưu ý rằng đây không phải là sự lựa chọn của Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Kremlin) |
Tổng thống Nga cho biết thêm, ông muốn thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về vấn đề INF trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo ở Paris (Pháp), bởi vì Washington cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước này song không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào.
Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, ông không cho rằng việc các nước thành viên NATO triển khai thêm vũ khí hạt nhân tại châu Âu là phản ứng đáp trả "chương trình tên lửa mới của Nga".
Trả lời báo chí, ông Jens Stoltenberg tuyên bố NATO không muốn xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới cũng như phải chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh ông không tính tới khả năng các đồng minh NATO sẽ triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn tại châu Âu. Tuy nhiên, NATO cần "đánh giá các tác động do chương trình tên lửa mới của Nga gây ra với an ninh" của liên minh quân sự này.
Ông Stoltenberg đưa ra lời phát biểu trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ "đã sẵn sàng xây dựng kho vũ khí hạt nhân" để đáp trả "chương trình tên lửa mới của Nga". Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).