Theo Đại diện cấp cao EU, Nga sẽ không cho phép Belarus cắt nguồn cung cấp khí đốt tới châu Âu. (Nguồn: TRT Haber) |
Ông Borrell nói: “Nếu có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ làm điều đó, nhưng Nga sẽ không cho ông ta làm, bởi họ đang bán khí đốt”.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao EU cũng cho biết, ông nhất trí với quan điểm của Nga về sự cần thiết tiến hành các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Belarus về vấn đề khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus, lưu ý rằng, ông không tin vào ý tưởng xây dựng bức tường ở biên giới Ba Lan và Belarus.
Trước đó, ngày 13/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, ông không biết về việc ông Lukashenko có ý định cắt khí đốt đến châu Âu qua đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu chính xuyên quốc gia Yamal-châu Âu. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh việc làm như vậy sẽ vi phạm hợp đồng quá cảnh với Nga.
Ngày 11/11, Tổng thống Belarus lấp lửng khả năng cắt nguồn cung cấp khí đốt được quá cảnh qua nước này sang châu Âu và coi bước đi như vậy là phản ứng đối với gói trừng phạt thứ năm mà EU có thể áp đặt với Minsk.
Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni nhấn mạnh, EU sẽ không cho phép bị đe dọa bởi những lời như vậy. Quyền Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, EU sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt Belarus, cũng như các cá nhân và công ty liên quan đến việc vận chuyển người di cư bất hợp pháp đến Belarus.
Các nước châu Âu đổ lỗi cho Belarus về cuộc khủng hoảng di cư, đồng thời phủ nhận mọi liên quan việc gia tăng dòng người tị nạn.
EU đang thảo luận về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Belarus. Anh, Mỹ và các nước EU ngày 12/11 nhất trí rằng, chính quyền Belarus đã tạo ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus.
Trong khi đó, ngày 14/11, ông Borell đã có cuộc điện đàm thảo luận với Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei về cuộc khủng hoảng biên giới, cũng như các các biện pháp trừng phạt của EU đối với Minsk.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Belarus cho biết, Minsk nhấn mạnh cam kết sẵn sàng đối thoại trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau với EU. Phía Belarus cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt của EU đối với nước này là “vô ích và phản tác dụng”.
Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ chính thức công bố mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Belarus trong cuộc họp ngày 15/11, theo đó áp dụng trừng phạt đối với các hãng hàng không và du lịch được cho là liên quan việc đưa người di cư tới biên giới EU.