📞

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Khi lợi ích kinh tế là tiếng nói chung

16:00 | 13/10/2016
Đúng như lời của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang được khôi phục với tốc độ nhanh hơn mong đợi. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/10 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã minh chứng cho điều đó. 

Cách đây vài tháng, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn còn “lời qua tiếng lại” vì vụ chiến đấu cơ Nga bị bắn rơi ở biên giới Syria hồi cuối năm ngoái. Giờ đây, họ đã “tay bắt mặt mừng” với nhau. Có thể nói, đây là diễn biến khó tiên liệu.

Cú hích kịp thời

Tiến trình khôi phục quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ từng được khởi động hồi tháng 8 bằng cuộc gặp giữa hai người đồng cấp Putin và Erdogan tại thành phố St. Petersburg khi ông Erdogan tới thăm Nga. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đi đầu tiên nhằm “phá lớp băng” bao phủ quan hệ Ankara - Moscow. Chính vì thế, mọi chờ đợi về những bước đi cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác Nga - Thổ được đặt hết vào chuyến thăm Istanbul lần này của Tổng thống Putin.

Mục đích của ông Putin khi lần đầu tiên đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau thời kỳ khủng hoảng là làm hồi sinh dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, tăng cường hợp tác kinh tế, năng lượng và tìm kiếm tiếng nói chung với Ankara trong vấn đề khủng hoảng ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/10/2016.

Chuyến công du của ông chủ điện Kremlin được đánh giá là thành công khi đạt được những mục tiêu đề ra. Trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận về Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đi qua Biển Đen sẽ được xây dựng với một nhánh phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ và nhánh kia được kỳ vọng hướng tới thị trường châu Âu. Dự án này sẽ thay thế cho dự án Dòng chảy phương Nam mà Nga từng định hợp tác với các nước châu Âu nhưng sau đó bị hủy bỏ. Cũng trong khuôn khổ cuộc thảo luận về dự án đường ống dẫn khí đốt, Moscow đã đồng ý cung cấp khí đốt giảm giá cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm vào đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà máy hạt nhân Akkuyu ở tỉnh Mersin sau một thời gian bị đình trệ. Tổng thống Putin cũng bắt đầu có bước đi cụ thể đầu tiên nhằm nới lỏng các biện pháp trừng phạt về xuất khẩu nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Những kết quả trên sẽ giúp khai thông quan hệ hai nước, mở rộng hợp tác song phương trên lĩnh vực kinh tế, năng lượng trong bối cảnh nền kinh tế của cả hai đều đang rất cần một “cú hích”. Đặc biệt, thỏa thuận về Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được dư luận cho là thành công của Ankara và Moscow trong việc “vẽ lại bản đồ năng lượng” của châu Âu khi Moscow có thể bỏ qua cửa ngõ Ukraine và mở những tuyến đường ống mới để cung cấp khí đốt cho toàn bộ khu vực Tây Âu.

Những bước ngoặt dễ lý giải

Thực ra, trước đây, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rất tốt đẹp. Hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan được cho là có nhiều điểm tương đồng về tính cách và hệ tư tưởng. Chính vì thế, ngoài mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa hai Tổng thống, quan hệ hai nước cũng phát triển mạnh mẽ, trở thành đối tác thương mại, năng lượng quan trọng hàng đầu của nhau.

Dấu hiệu xấu trong quan hệ song phương bắt đầu nổi lên khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria và có mục tiêu gần như đối lập với Ankara. Nếu như Nga kiên định ủng hộ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Thổ Nhĩ Kỳ lại tìm cách lật đổ chính quyền này. Sự cố châm ngòi cho một cuộc đối đầu nảy lửa giữa Moscow và Ankara chính là vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở biên giới Syria hôm 24/11/2015.

Tháng 6/2016, Tổng thống Erdogan đã bất ngờ viết thư xin lỗi người đồng cấp Putin về vụ bắn hạ máy bay Su-24. Moscow nhanh chóng có phản ứng tích cực theo kiểu “được lời như cởi tấm lòng”. Diễn biến này không khó lý giải bởi thực chất Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều thấy được tính cấp bách của việc bình thường hóa quan hệ song phương trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước đang gặp khó khăn vì các biện pháp trừng phạt và cả hai đều có mối quan hệ căng thẳng với phương Tây.

Những thỏa thuận hợp tác quan trọng trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần này của Tổng thống Putin cũng cho thấy một điều: Rõ ràng, cả Moscow và Ankara đều đang hướng đến một mối quan hệ thực dụng. Theo đó, họ sẵn sàng gạt bỏ bất đồng sang một bên để tập trung xây dựng mối quan hệ chiến lược trong những lĩnh vực mà cả hai có thể hợp tác và cùng có lợi, trong đó có mục tiêu đưa thương mại hai chiều hàng năm mức 100 tỉ USD.

Tất nhiên, trước mắt quan hệ Ankara - Moscow chưa thể quay trở lại trạng thái tốt đẹp như trước kia do vẫn còn nhiều khúc mắc khó tháo gỡ, như bất đồng về vấn đề Syria. Dù vậy, đến thời điểm này, hố ngăn cách đang dần được thu hẹp và hai bên hoàn toàn có thể trông đợi một tương lai tươi sáng hơn.