Tên lửa Burevestnik rời bệ phóng trong đợt thử nghiệm năm 2018. (Nguồn: BQP Nga) |
Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố thử thành công Burevestnik, kể từ khi ra mắt tên lửa này vào năm 2018 và trải qua nhiều đợt phóng thất bại.
Nhà lãnh đạo Nga thông tin, tên lửa này chạy bằng hạt nhân, có "tầm bay khắp toàn cầu" và không giới hạn tầm bay. Ông chủ Điện Kremlin cũng tuyên bố Burevestnik sở hữu "tầm bay không giới hạn" và "thách thức mọi hệ thống phòng không hiện tại".
Burevestnik - "chim báo bão", là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, bay thấp, không chỉ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà còn sử dụng động cơ hạt nhân.
Tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên tiết lộ dự án tên lửa này vào tháng 3/2018.
Động cơ đẩy hạt nhân của Burevestnik giúp tên lửa có tầm bắn xa hơn nhiều so với động cơ phản lực hoặc động cơ phản lực cánh quạt truyền thống, vốn bị giới hạn bởi lượng nhiên liệu mà chúng có thể mang theo.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết, Burevestnik sẽ có tầm bắn lý thuyết lên tới 20.000km, do đó có thể được đặt ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Nga và tấn công các mục tiêu ở Mỹ.
Theo tạp chí quân sự Nga, tên lửa Burevestnik có thể hạ độ cao xuống còn 50-100m, thấp hơn nhiều so với tên lửa hành trình thông thường, điều này sẽ khiến radar phòng không khó phát hiện hơn.
Báo cáo năm 2020 của Trung tâm Tình báo Hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ viết, nếu Nga đưa Burevestnik vào sử dụng thành công, tên lửa này sẽ mang lại cho Moscow một "vũ khí độc nhất có khả năng xuyên lục địa".