Nhỏ Bình thường Lớn

Nga “trả đòn” Thổ Nhĩ Kỳ bằng trừng phạt kinh tế

Trong cuộc họp Nội các ngày 26/11, Thủ tướng Nga Dmitri A. Medvedev đã yêu cầu các quan chức Chính phủ phải thiết lập một danh sách các biện pháp trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kì, nhằm trả đũa việc nước này bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, hôm 24/11.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ra lệnh trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng các biện pháp kinh tế. (Nguồn: News World India)

Phát biểu tại cuộc họp Nội các, Thủ tướng Medvedev khẳng định: “Vụ bắn hạ máy bay Nga chắc chắn là một hành động gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên của NATO”.

Đóng băng mọi liên kết kinh tế

Với thời hạn hai ngày, bản danh sách các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ được thiết lập, bao gồm cắt đứt mọi liên kết kinh tế và đóng băng các dự án đầu tư giữa hai bên. Đặc biệt trong số đó có cả một hợp đồng dự án trị giá nhiều tỷ USD nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định là con đường tốt nhất để xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu và dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Medvedev tuyên bố, mục tiêu sẽ là “đặt ra các giới hạn hoặc các lệnh cấm” đối với các lợi ích kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga và “hạn chế việc cung ứng” các sản phẩm, bao gồm cả nông sản. Bên cạnh đó, các hạn chế về thuế, hải quan, giao dịch tài chính, du lịch và giao thông vận tải cũng đang được Moscow xem xét áp dụng nhằm trả đũa Ankara.

Đồng thời, các quan chức chính phủ Nga cũng tuyên bố năm giao lưu văn hóa đặc biệt Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra vào năm 2016 sẽ bị hủy bỏ.

“Trong trường hợp này, chúng tôi xác định có một mối đe dọa rõ ràng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vậy, những biện pháp này sẽ được đề xuất và thông qua thành luật”, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukaev khẳng định.

Theo các cơ quan truyền thông Nga, hiện hàng trăm xe tải chở rau quả và các sản phẩm khác của Thổ Nhĩ Kỳ đang ách tắc tại biên giới Gruzia với Nga và việc kiểm tra “chậm như rùa bò” với lý do “có thể có những mối đe dọa khủng bố từ các hàng hoá”.

“Đây chỉ là một biện pháp tất yếu trong vô số những biện pháp không thể đoán trước của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ”, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cảnh báo.

Theo tờ Rossiyskaya Gazeta, tại khu vực Krasnodar, một nhóm 39 doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ tham dự một cuộc triển lãm nông nghiệp đã bị tạm giữ vì nhập cảnh vào Nga bằng thị thực du lịch chứ không phải thị thực kinh doanh. Dự kiến, n​​hững người này sẽ bị trục xuất.

Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng cảnh báo công dân không nên du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các công ty lữ hành lớn của Nga đã ngừng bán tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những điểm đến phổ biến nhất đối với tầng lớp trung lưu Nga trước đây.

Thiệt cả đôi bên

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga có thể gây tổn hại cho cả đôi bên bởi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là hai đối tác lớn của nhau.

Theo số liệu thống kê của Công ty kiểm toán Renaissance Capital, năm 2014, giá trị nhập khẩu hàng hóa của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ lên đến con số 25 tỷ USD chiếm 10% phần trăm của tổng giá trị nhập khẩu của nước này, trong đó phần lớn là khí đốt tự nhiên. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xuất khẩu 60 tỷ USD trị giá hàng hóa sang Nga, chiếm 4% tất cả các hàng xuất khẩu của nước này.

Trước đó, Ankara thậm chí còn có kế hoạch đẩy mạnh thương mại với Moscow, hướng đến mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD giá trị thương mại vào năm 2020.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga còn có nhiều mối liên kết năng lượng chiếc lược quan trọng. Đặc biệt trong số đó là dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” nhằm xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế cho dự án “Dòng chảy phương Nam” đi qua Ukraine bị đổ bể. Bên cạnh đó, còn một dự án lớn khác là xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 22 tỷ USD cũng theo chiếc Su-24 mà “tan tành mây khói”.

Riêng về ngành du lịch, gần 4,5 triệu người Nga đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, chiếm hơn 12% trong tổng lượng khách du lịch đến thăm nước này hàng năm. Đây chính là nhóm khách du lịch lớn thứ hai chỉ sau Đức của Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, sau vụ máy bay Nga A321 rơi tại Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có khả năng là điểm đến thay thế cho các tour du lịch Ai Cập. Tuy nhiên, sự việc máy bay Su-24 bị bắn hạ đã khiến Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức khuyến cáo công dân nước này không tới Thổ Nhĩ Kỳ du lịch. Đây thực sự là một tổn thất lớn cho ngành du lịch của Ankara.

Kinh nghiệm cho thấy, năm 2014, khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với sự sáp nhập của Nga và Crimea, điện Kremlin từng phản ứng lại bằng cách cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây. Điều đó gây ra một sự đột biến giá với người tiêu dùng Nga. Trong trường hợp hiện tại, với những sự trừng phạt kinh tế bao gồm cả hàng hóa, thực phẩm đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn điều này sẽ lặp lại.

Trang Trần (theo The NY Times, CNN)