Moscow giới hạn việc rút tiền mặt từ các tài khoản ngoại hối tại ngân hàng Nga ở mức 10.000 USD. (Nguồn: Shutterstock) |
Thông báo cho biết, từ ngày 9/3-9/9, các ngân hàng tại Nga sẽ không được phép bán ngoại tệ cho người dân, tuy nhiên, người Nga vẫn có thể đổi từ ngoại tệ sang đồng Ruble nội tệ trong cùng giai đoạn.
Bên cạnh đó, việc rút tiền mặt từ các tài khoản ngoại khối ở ngân hàng Nga sẽ bị giới hạn ở mức 10.000 USD đến ngày 9/9.
Trong một diễn biến khác, giá dầu thế giới khép phiên 8/3 với mức tăng 4% trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, trong khi Anh cho biết sẽ làm điều này vào cuối năm nay.
Các quyết định trên được cho là sẽ khiến nguồn cung ở thị trường năng lượng toàn cầu ngày càng thắt chặt do Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 3,6% lên 123,70 USD/thùng.
Trong khi đó, giá xăng dầu tại Mỹ đã lên cao kỷ lục, vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (3,78 lít), mức tăng đe dọa sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Căng thẳng tại Ukraine gia tăng đã khiến chuỗi cung xăng dầu gặp cú sốc lớn bởi các công ty nhập dầu đã phải loại bỏ sản phẩm của Nga ra khỏi nguồn cung trên toàn cầu hằng ngày.
Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi Mỹ và phương Tây áp đặt một loạt lệnh trừng phạt vào Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga cũng đã chậm lại trước lệnh cấm do các thương nhân tìm cách tránh né ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt trong tương lai.
Ngay trong ngày 8/3, giá xăng dầu tiếp tục tăng vọt sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố cấm nhập các loại dầu thô, một số sản phẩm dầu khí và than của Nga. Theo số liệu năm 2021, khoảng 8% dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Mỹ là nhập từ Nga.
Giá xăng dầu đã tăng cao trong vài tháng trở lại đây bởi nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng đang bắt đầu quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Năm 2020, Mỹ tiêu thụ khoảng 18,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, chủ yếu cho giao thông, vận tải, sản xuất điện và sưởi. Vào năm 2019, khi chưa xảy ra đại dịch, nước này tiêu thụ khoảng hơn 20 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Nga xuất khẩu từ 7-8 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày cho các thị trường toàn cầu. Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng khác, vì dầu và các sản phẩm của Nga được sử dụng để tinh chế thành các loại hàng hóa khác.
Trước khi lệnh cấm được công bố, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 từ mức 98 USD/thùng lên 135 USD/thùng và triển vọng năm 2023 từ 105 USD/thùng lên 115 USD/thùng.
Ngân hàng trên đồng thời cho rằng, nền kinh tế thế giới có thể đối mặt với "cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay" vì vai trò chủ chốt của Nga.
| Tin thế giới 8/3: Kỳ vọng không thành của Nga; Tổng thống Ukraine 'đòi' phương Tây chịu trách nhiệm Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Mỹ-Venezuela, tình hình Bán đảo Triều Tiên và Iran là một số sự kiện quốc tế nổi bật ... |
| Chưa kịp phục hồi, chuỗi cung ứng toàn cầu lại 'hứng đòn' từ xung đột Nga-Ukraine Theo tờ The New York Times, căng thẳng Nga-Ukraine đang làm xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rất mong manh sau ... |