📞

Nga - Ukraine: Bất hòa nhưng khó đoạn tuyệt

11:09 | 13/01/2009
Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine đã lên đến đỉnh điểm vào đúng dịp Năm Mới khi Mátxcơva tỏ ý kiên quyết đòi người láng giềng trả nợ đến “đồng rúp cuối cùng”, nếu không muốn bị trừng phạt, trong đó có việc cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine.
 

Đây không còn là lời đe doạ suông khi Nga quyết định cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine vào đúng thời hạn ghi trong “tối hậu thư” là ngày 1/1/2009 và chỉ một tuần sau, Nga khóa nốt toàn bộ nguồn cung khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine sang châu Âu.

 

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko ngày 7/1, Tổng thống Nga Medvedev khẳng định không có bất cứ sự giảm giá hay giá cả đặc biệt nào, ngoài việc thanh toán hết các khoản nợ, chấm dứt cản trở việc vận chuyển quá cảnh khí đốt qua Ukraine và cho phép lập “cơ chế kiểm soát” mới; trong đó có sự tham gia của các quan sát viên Liên minh châu Âu (EU) và quốc tế để thẩm tra các đường ống khí đốt chạy trên lãnh thổ Ukraine. Trước đó, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Ukraine về những “hậu quả nghiêm trọng” nếu Kiev dám “ăn cắp” khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ nước này để thay thế cho nguồn cung bị cắt đứt.

 

Theo các nhà phân tích, một lần nữa sau cuộc chiến khí đốt với Ukraine vào đầu Năm Mới 2006, Mátxcơva đã chứng tỏ rằng mình sẽ không ngần ngại sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí lợi hại để đưa những kẻ dám không tôn trọng lợi ích của Nga trở lại đúng “khuôn phép”. Nga cũng có những lý lẽ chính đáng của riêng mình. Quả vậy, từ nhiều năm qua, Ukraine luôn sử dụng con bài nước trung chuyển tới 80% lượng khí đốt của Nga sang thị trường châu Âu để “mặc cả” giá mua thấp hơn nhiều so với mức giá mà các khách hàng khác phải trả và cố tình trì hoãn việc thanh toán các món nợ quá hạn.

 

Theo tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, đến cuối năm 2008, Ukraine còn nợ hơn 2 tỷ USD trong bối cảnh tập đoàn này cũng đang rất cần tiền mặt để thanh toán số nợ lên đến 50 tỷ USD của mình. Ngoài việc được quyền “thu tô” nhờ tuyến đường ống vận chuyển khí đốt được xây dựng từ thời Liên Xô, Ukraine còn chỉ phải trả một mức giá hết sức “hữu nghị” 179,50 USD/1.000 m3 khí trong khi các nước châu Âu khác phải trả đến hơn 400 USD, thậm chí có thời điểm lên tới 500 USD. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đặt điều kiện cho việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua Ukraine sang châu Âu như Nga sẽ chỉ nối lại việc cung cấp khí đốt nếu Ukraine trả tiền mua khí đốt theo giá thị trường.

 

EU, vốn không muốn làm cho tình hình xấu thêm sau cuộc chiến Gruzia, nên đã có cách tiếp cận vấn đề “công bằng” và “bình tĩnh” hơn so với cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine lần trước. Dưới con mắt của EU, Ukraine chưa hẳn đã hoàn toàn “vô can” trước mọi lời cáo buộc. Kiev vẫn duy trì công ty RosukEnergo, một nhà trung gian bị tố cáo ăn hối lộ nhưng lại có vai trò không thể thay thế trong quan hệ buôn bán khí đốt giữa Nga và EU. Công ty này được cho là có quan hệ “dây mơ rễ má” với Tổng thống Viktor Yushchenko và bị nữ Thủ tướng Yulia Tymoshenko  đả kích kịch liệt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ chính trường Ukraine từ 2 năm nay.

 

Cũng cần phải nói rằng kể từ cuộc Cách mạng Nhung cuối năm 2004, quan hệ giữa Nga và Ukraine luôn trong cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Nga hết sức khó chịu trước giọng điệu thân phương Tây của các nhà lãnh đạo Ukraine, sự ủng hộ quá “nhiệt tình” của nước này đối với Tbilissi trong cuộc xung đột tại Nam Ossetia cũng như tham vọng của Kiev trong việc gia nhập NATO vốn được Mátxcơva coi như một sự đe doạ đối với an ninh của mình.

 

Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ cứng rắn, Nga không muốn các nước phương Tây nhìn mình như một quốc gia lấn át láng giềng, nhất là trong bối cảnh Mátxcơva mới tái khởi động đàm phán về hiệp định đối tác mới Nga - EU, trong đó EU mong muốn Nga công khai hơn trong lĩnh vực năng lượng.

 

Giới phân tích nhận định cuộc khủng hoảng khí đốt lần này rồi sẽ được giải quyết ổn thoả như các lần trước vì cả hai bên vẫn rất cần đến nhau. Trước mắt, Nga vẫn chưa thể nhanh chóng xây dựng xong những tuyến vận chuyển khí đốt mới không đi qua Ukraine. Trong khi đó, Ukraine, quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn thứ 6 thế giới, cũng không thể tìm đâu ra một nhà cung cấp khác có quy mô lớn và gần gũi như Nga vốn đang đáp ứng tới hơn 75% lượng khí tiêu thụ tại nước này.

 

Hữu Chiến