Phát ngôn trên ứng dụng Telegram ngày 29/4, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin khẳng định: "Động cơ của Washington rất rõ ràng", đồng thời nhận định, việc viện trợ quân sự cho Ukraine "sẽ cho phép tăng lợi nhuận của các tập đoàn quốc phòng Mỹ lên nhiều lần".
Binh sĩ Ukraine nhận lô hàng tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ viện trợ. (Nguồn: AP) |
Theo ông Volodin, dự luật cho thuê/mượn của Mỹ về cơ bản là khoản vay hàng hóa và "không phải là khoản vay rẻ". Ông cảnh báo "nhiều thế hệ công dân Ukraine tương lai sẽ phải trả nợ" cho vũ khí, đạn dược và lương thực được Mỹ chuyển giao.
Hạ viện Mỹ ngày 28/4 đã thông qua một dự luật nhằm xóa bỏ một số ràng buộc đối với việc gửi vũ khí tới Ukraine. Trước đó, dự luật "cho thuê/mượn vũ khí phòng thủ dân chủ Ukraine" đã được thông qua ở Thượng viện hồi đầu tháng.
Dự luật sẽ hồi sinh lại cơ chế mà Mỹ từng sử dụng trong Thế chiến II để gửi vũ khí cho các bên tham chiến, trong khi vẫn chính thức giữ vị thế trung lập. Dự luật cho phép Nhà Trắng phê duyệt việc mượn hoặc cho thuê vũ khí tới Ukraine hoặc bất cứ quốc gia Đông Âu nào bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga nhằm bảo vệ dân thường.
Dự luật của Mỹ không tạo ra một chương trình mới, mà thực chất là giúp chính quyền Tổng thống Joe Biden dễ dàng gửi vũ khí hơn tới Ukraine bằng cách đình chỉ các giới hạn do 2 luật hiện hành áp đặt, một trong số đó giới hạn thời gian viện trợ là 5 năm. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là Ukraine phải trả tiền cho việc "thuê hoặc mượn trang thiết bị quốc phòng".
Dự luật mới tách biệt với nỗ lực của Mỹ nhằm gửi vũ khí cho Ukraine từ kho khí tài của Lầu Năm Góc.
Tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng thay vì chỉ hỗ trợ tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng, đặc biệt trong bối cảnh Nga tập trung lực lượng cho mặt trận miền Đông trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự.
Phương Tây ban đầu tỏ ra dè dặt với đề nghị này bởi lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, một số nước phương Tây bắt đầu sẵn sàng cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine vì cho rằng, chính quyền Kiev sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn hơn nhiều ở miền Đông khi Nga dồn lực lượng về đây.
Nga nhiều lần nói rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là hành động nguy hiểm và cảnh báo các lô vũ khí viện trợ của nước ngoài vào Ukraine có thể trở thành "mục tiêu chính đáng" của lực lượng Nga.