Một sự chọc giận Mỹ, đó là nhận định của dư luận về tình thân giữa Caracas và Mátxcơva được thể hiện trong chuyến thăm. Hơn nữa, tình thân hữu này không chỉ là cách gọi mà còn được thể hiện rất thực tế qua 4 hợp đồng giữa các công ty dầu khí Nga và Công ty năng lượng nhà nước Venezuela PDVSA. Các hợp đồng trên cho phép các công ty Nga thăm dò dầu khí ở Venezuela và mở đường cho các dự án lớn liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình lớn. Chưa hết, hai bên còn cam kết tiến hành xem xét các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác chiến lược, nhất là trong các ngành năng lượng, công nghiệp, tài chính, khoa học công nghệ và quân sự. Theo đó, Nga đang có kế hoạch bắt đầu cung cấp cho Venezuela ít nhất 10 trực thăng Mi-28N trong nửa sau năm 2009.
Dụng ý nhằm vào Washington còn được ám chỉ trong tuyên bố của Tổng thống Chavez tại họp báo: “Nếu các lực lượng vũ trang Nga muốn có mặt tại Venezuela, họ sẽ được chào đón”. Thậm chí, ông Chavez còn khẳng định sẽ theo đuổi các hợp đồng mua vũ khí mới với Nga để nâng cao khả năng quân sự của đất nước, trong đó có việc tái vũ trang cho quân đội bằng tên lửa, xe tăng và các loại tàu ngầm chạy bằng diezen của Nga. Theo Tổng thống Chavez, Caracas đang hoàn tất hợp đồng mua máy bay phản lực chiến đấu Su-30 của Nga và hiện hai nước đang thương thảo về một hệ thống hợp nhất bảo vệ Venezuela với các loại vũ khí phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Năm 2007, Nga đã ký hợp đồng bán vũ khí cho Venezuela trị giá 4 tỷ USD, gồm các máy bay trực thăng chiến đấu, máy bay phản lực Sukhoi và súng trường Kalashnikov.
Đáp lại sự nồng nhiệt của người đồng cấp đến từ Nam Mỹ, Tổng thống Dmitry Medvedev nhấn mạnh, Mátxcơva rất coi trọng quan hệ với Caracas. “Venezuela hiện là đối tác quan trọng nhất của Nga. Các quan hệ của chúng tôi là nhân tố quan trọng cho an ninh khu vực. Chúng tôi có mục tiêu chung là biến thế giới trở nên dân chủ, công bằng và an ninh hơn”. Ông cũng thông báo, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới là Nga và Venezuela, nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí hợp tác trong thị trường năng lượng toàn cầu, trên nguyên tắc không làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Những tranh cãi xung quanh việc triển khai lá chắn tên lửa (NMD) của Mỹ ở châu Âu và nỗ lực gia nhập NATO của hai nước nằm sát biên giới với Nga là Gruzia và Ukraine khiến Mátxcơva đang rất cần đồng minh để đối trọng lại với Mỹ. Và Caracas là một lựa chọn. Ngoài tiềm năng dầu mỏ, vị trí chiến lược của Venezuela tại Mỹ Latinh và việc Caracas là ngọn cờ đầu cho phong trào thiên tả ở khu vực này chính là những yếu tố quyết định cho việc hai nước sẽ tiến hành thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai không xa.
Vương An