📞

Ngân hàng lãi to, nhưng không dễ giảm lãi vay

Hà Tâm 10:16 | 15/07/2021
“Đừng thấy đỏ mà tưởng chín” chưa bao giờ lại đúng với tình cảnh lợi nhuận ngân hàng như hiện nay, khiến việc giảm lãi suất cho vay tưởng dễ hóa ra không đơn giản.
Đứng về góc độ ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, điều kiện thị trường hiện nay không thuận lợi cho việc giảm lãi suất. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Lợi nhuận cao một phần là ảo

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP dè dặt nói: “Chúng tôi đang xem xét tiết giảm chi phí để có thể giảm thêm lãi suất cho vay, song cũng chỉ giảm thêm được ở một số đối tượng và mức giảm cũng có hạn, vì dư địa giảm lãi vay của chúng tôi không còn nhiều”.

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại tuyên bố giảm khá mạnh lãi suất cho vay, như Vietcombank giảm 0,5 - 1%/năm, BIDV giảm 1 - 1,5%/năm, VietinBank và Agribank giảm 2 -2,5%/năm…

Mặc dù vậy, theo phản ánh của các doanh nghiệp, lãi suất cho vay chỉ giảm mạnh với doanh nghiệp ở lĩnh vực ưu tiên. Hơn nữa, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm, có tới hơn 70.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, nhưng các ngân hàng vẫn rầm rộ công bố lãi khủng là phản cảm. Vì vậy, việc ngân hàng giảm thêm lãi vay để đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế là hợp lý.

Tuy nhiên, đứng về góc độ ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, điều kiện thị trường hiện nay không thuận lợi cho việc giảm lãi suất.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, có 3 nguyên nhân khiến ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay.

Thứ nhất, 6 tháng đầu năm, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng khá mạnh, do đó phải tăng nhẹ lãi suất để huy động vốn, tạo nguồn cho vay những tháng cuối năm.

Thứ hai, lạm phát đang có nguy cơ tăng lên khi giá một loạt hàng thiết yếu và nguyên - nhiên - vật liệu rục rịch tăng. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước cảnh giác với chính sách cung tiền, trong khi người gửi tiền cũng khó chấp nhận lãi suất tiết kiệm giảm thêm.

Thứ ba, dòng tiền đang có dấu hiệu chạy ra khỏi ngân hàng, tìm đến các kênh đầu tư khác, biểu hiện là tăng trưởng huy động vốn 6 tháng đầu năm chậm hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

“Chính phủ rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp bằng mọi cách, trong đó có việc giảm lãi suất. Tôi cho rằng, thời gian tới, một số ngân hàng sẽ giảm nhẹ lãi suất cho vay để hưởng ứng hiệu triệu này, song việc giảm lãi vay chỉ là “cho có”, bởi như đã phân tích, điều kiện thị trường để giảm lãi suất là chưa có”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, việc nói ngân hàng lãi lớn không hoàn toàn chính xác, bởi một lượng lớn nợ xấu đang được “che giấu” bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN (trước đây là Thông tư 01/​2020/TT-NHNN), cho phép doanh nghiệp được cơ cấu nợ. Một khi thông tư này hết hiệu lực, nợ xấu sẽ bùng lên và ngân hàng buộc phải lấy lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro.

Về vấn đề giảm lãi suất, tại cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với 16 tổ chức tín dụng đầu tuần này, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều đồng thuận giảm lãi vay 0,5-2,5%/năm, song chỉ hỗ trợ tùy từng đối tượng. Bởi bản thân ngân hàng cũng phải hài hòa lợi ích của khách hàng và cổ đông.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, tổng dư nợ của Sacombank hiện khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong 5-6 tháng thì lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên ngàn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch. Mức giảm này khó có thể được cổ đông chấp nhận. Chính vì vậy, Sacombank sẽ chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn.

“Sacombank có những khách hàng có dư nợ hàng ngàn tỷ đồng và đang kinh doanh rất có lãi. Những khách hàng như vậy không nên hỗ trợ lãi suất”, ông Phan Đình Tuệ chia sẻ.

Vốn siêu rẻ: Doanh nghiệp rất cần, nhưng ngoài tầm với ngân hàng

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như hiện nay, song vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh thanh khoản đứt đoạn, không có nguồn thu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ngành vận tải, du lịch… đề nghị vay với lãi suất 0-2%/năm.

Đề xuất trên là không tưởng trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn ở mức cao, song cũng cho thấy khả năng chống chịu của doanh nghiệp đang ngày càng yếu và nhu cầu vốn siêu rẻ để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh là có thực.

Chưa kể, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay rất khó. Báo cáo tài chính ngân hàng năm 2020 và quý I/2021 cũng cho thấy, nhiều ngân hàng tăng cường đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bán lẻ với cá nhân, thay vì cho vay doanh nghiệp.

“Có người nói rằng, lãi suất không còn là rào cản hiện nay, song thực tế, doanh nghiệp đang rất khát vốn. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.HCM đang trong tình cảnh hết sức nan giải: doanh thu không có, nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương lao động… Cho nên, rất cấp bách phải “bơm máu” cho doanh nghiệp. Nếu không có tín dụng, doanh nghiệp sẽ đứng trước bờ vực phá sản, các chính sách hỗ trợ khác chỉ là giải pháp cấp cứu tạm thời”, TS. Hiếu nhận định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm, giải pháp khả thi nhất là Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra huy động các ngân hàng thương mại cổ phần lập ra một “tổ hợp tín dụng” cung cấp gói cho vay 300.000 tỷ đồng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, mỗi ngân hàng phải trích 3% tổng dư nợ tín dụng tham gia gói hỗ trợ này (nguồn cho vay là từ tiền gửi không kỳ hạn). Các doanh nghiệp được vay tín chấp tuần hoàn 2 năm đầu và trả dần trong 3 năm tiếp theo với lãi suất thấp, chỉ 3 - 5%/năm.

Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô 30.000 tỷ đồng, được phép bảo lãnh gấp 10 lần vốn tự có (tương ứng với khoản tín dụng tối đa 300.000 tỷ đồng) phải đứng ra bảo lãnh cho các ngân hàng để ngân hàng yên tâm cho vay doanh nghiệp.

Mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hòa, song hành giữa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn, mà còn trong trung và dài hạn.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

(theo Báo Đầu tư)