Trong năm nay, FDIC đã phải tham gia giải quyết năm vụ phá sản ngân hàng Mỹ. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Đây là ngân hàng thứ 5 của Mỹ sụp đổ trong năm nay, sau First Republic, Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank. Sự sụp đổ liên tiếp này đã gây chấn động ngành ngân hàng Mỹ, đặc biệt khi trong năm 2021 và 2022, nước này không phải chứng kiến vụ phá sản ngân hàng nào.
Trước tình hình đó, giới lập pháp nước này đang đưa ra loạt biện pháp mới để bảo vệ tiền gửi của khách hàng và ổn định hệ thống tài chính.
Hiện Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã tiếp quản ngân hàng này, đồng ý tiếp nhận tất cả các khoản tiền gửi của Heartland Tri-State Bank để bảo vệ khách hàng. Sau đó, cơ quan này đã tiến tới thoả thuận bán lại cho Dream First Bank - ngân hàng đặt trụ sở tại Syracuse, cũng ở bang Kansas.
Như vậy, bốn chi nhánh của Heartland Tri-State Bank sẽ hoạt động trở lại dưới tư cách là chi nhánh của Dream First Bank từ ngày 31/7.
Ở thời điểm hiện tại, FDIC cho biết khách hàng của Heartland Tri-State Bank có thể lấy lại tiền bằng cách viết séc, sử dụng thẻ ATM hoặc thẻ ghi nợ. Khách hàng cũng không cần phải thay đổi ngân hàng, bởi họ sẽ tự động trở thành khách của Dream First Bank.
Theo FDIC, Heartland Tri-State Bank có tổng tài sản khoảng 139 triệu USD và tổng tiền gửi khoảng 130 triệu USD. Dream First Bank cũng đồng ý mua “về cơ bản tất cả” tài sản của ngân hàng vừa sụp đổ.
FDIC còn nêu rõ rằng các khách vay tiền tại Heartland Tri-State Bank cũng không bị ảnh hưởng vì cơ quan này và Dream First Bank sẽ ký thoả thuận để chia sẻ khoản lỗ và cùng chịu trách nhiệm về khả năng thu hồi nợ.