Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng Sáu năm nay, WB sẽ cho vay tổng cộng 25-30 tỷ USD. (Nguồn: WB) |
Theo thông báo ngày 11/4 của Ngân hàng Thế giới (WB), các khoản cho vay của thể chế tài chính này trong năm 2015 đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Trao đổi với tờ Financial Times, Chủ tịch WB Jim Yong Kim, cho biết, trong năm tài khóa kết thúc vào tháng Sáu năm nay, WB sẽ cho vay tổng cộng 25-30 tỷ USD thông qua bộ phận cho vay chính là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD). Đây sẽ là mức cho vay lớn nhất của IBRD đối với các nước thành viên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Vào năm 2010, do tác động của khủng hoảng tài chính, IBRD đã cho vay 44,2 tỷ USD.
Giải thích về xu hướng này, WB cho biết, khi phải đối mặt với các “cơn gió ngược” như tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá hàng hóa thấp, nhu cầu vay vốn từ WB của các quốc gia đang phát triển trong năm 2015 đã tăng mạnh ở mức thường chỉ được ghi nhận trong các cuộc khủng hoảng tài chính.
Hàng loạt nền kinh tế mới nổi cũng đang phải đối mặt với những thách thức về tài chính và kinh tế do tác động của tình trạng giá dầu sụt giảm và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “nguội dần”.
Phó Chủ tịch WB, ông Jan Walliser, cho biết chính phủ của các nền kinh tế đang phát triển nhận thấy áp lực của việc tìm kiếm biện pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong xu thế giảm tốc hiện nay. Nguồn vốn vay từ WB chủ yếu giúp các nước đa dạng hóa nguồn lực tăng trưởng và chống lại các “cú sốc” có thể xảy ra trong tương lai.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc WB quyết định cho vay mạnh tay đã “lấn sân” vai trò phản ứng khủng hoảng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đã có một số bằng chứng cho thấy vốn vay từ WB đã giúp các chính phủ ít nhất trì hoãn được việc phải tiếp cận IMF - định chế mà sự giúp đỡ luôn đi kèm với những đòi hỏi cải cách khó khăn đối với các quốc gia.
Tuy nhiên, Chủ tịch WB Jim Yong Kim phủ nhận ý kiến trên khi khẳng định, các khoản vay của WB cũng đi kèm với nhiều yêu cầu cải cách và có sự tham vấn với IMF.