TIN LIÊN QUAN | |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Italy | |
Thủ tướng gặp gỡ các trí thức, doanh nhân kiều bào tiêu biểu |
Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai... tại Hội nghị đã thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cũng như với tương lai phát triển của TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM)
Hội nghị do Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân TP. HCM phối hợp tổ chức, với sự tham dự của 700 đại biểu, trong đó có khoảng 500 đại biểu kiều bào là các doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa tiêu biểu... có uy tín trong nhiều lĩnh vực về từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đáng chú ý, Hội nghị còn thu hút nhiều kiều bào trẻ tuổi, thể hiện sự tiếp nối, chuyển giao quan trọng đang diễn ra giữa các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Cơ hội lớn cho thành phố mang tên Bác
Đúng như nhận xét của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, gần 100 tham luận của kiều bào gửi về Hội nghị lần này đều thể hiện tâm huyết, trình độ nghiên cứu chuyên sâu và có nhiều ý tưởng thiết thực với các vấn đề phát triển của TP. HCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thủy Trần - Tạp chí Quê hương) |
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP. HCM nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào phản ánh, đề xuất, khuyến nghị và đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng đã gặp gỡ gần 60 chuyên gia, trí thức và doanh nhân kiều bào tiêu biểu đang làm việc tại nhiều nước trên thế giới. Thủ tướng đã lắng nghe các ý kiến và chia sẻ thẳng thắn của họ về những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Đảng và Chính phủ đưa đất nước vượt qua thách thức, tiếp tục phát triển phồn vinh.
“Tôi rất xúc động khi được biết các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu đang làm việc ở nước ngoài và vô cùng bận rộn, cũng như nhiều kiều bào phải vượt qua nửa vòng trái đất mới về đến Việt Nam, nhưng vì trách nhiệm với đất nước đã mang theo những tình cảm nồng ấm, những ý tưởng tâm huyết nhất đến Hội nghị. Điều đó khẳng định dù phải sống trong những hoàn cảnh khác biệt ra sao về địa lý, xã hội, thể chế chính trị… chúng ta mãi mãi là con một nhà, là đồng bào ruột thịt của nhau, có chung một người mẹ lớn là Tổ quốc Việt Nam”. Bí thư Thành ủy TP. HCM |
Tại Lễ khai mạc ngày 12/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ đây là Hội nghị lớn lần đầu tiên tổ chức riêng cho TP. HCM, thể hiện mong muốn của cả nước để Thành phố đi đầu trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cả dân tộc, luôn mang trong mình lòng yêu quê hương đất nước, là cầu nối tăng cường tình hữu nghị với các nước và là nguồn lực quan trọng đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Trong Lễ bế mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị của Bộ Ngoại giao với chủ đề tập trung vào 4 lĩnh vực then chốt của Thành phố là quy hoạch - phát triển bền vững, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và đầu tư - thị trường. Theo ông, đây là 4 lĩnh vực trụ cột có thể tạo ra bước đột phá trong việc thực hiện mục tiêu trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Hiến kế vì Thành phố của tương lai
Phần lớn các tham luận, ý tưởng và mong muốn của kiều bào tại Hội nghị lần này cũng là những vấn đề mà Lãnh đạo TP. HCM đang trăn trở để tìm hướng giải quyết. Nhiều tham luận đã chia sẻ sự đồng thuận và giúp Thành phố có thể tiếp tục bám sát các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài theo 7 chương trình đột phá: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh cải cách hành chính; giảm ùn tắc giao thông; khắc phục tình trạng ngập nước; cải thiện môi trường và chỉnh trang phát triển đô thị.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu kiều bào tại Hội nghị. (Thủy Trần - Tạp chí Quê hương) |
Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng - kiều bào tại Anh nêu kinh nghiệm trong phát triển kinh tế tri thức qua mô hình Cambridge Silicon Fen. Với đề xuất xây dựng hạt nhân tri thức bằng việc thu hút chuyên gia công nghệ từ nước ngoài, ông Bằng sẽ kết nối trường Đại học Cambridge để hỗ trợ TP. HCM trong việc nâng cao chất lượng đại học, hoặc xây dựng trường học về công nghệ với quy chế hoạt động và mô hình quản trị mới.
“Tiềm lực của bà con Việt kiều là rất lớn, đã được minh chứng sau những năm 1996 trở lại đây, với gần 400.000 người có bằng cấp được đào tạo bài bản. Đây là nguồn lực lớn cho chúng ta chung tay phát triển đất nước và lấy TP. Hồ Chí Minh là điểm đột phá chiến lược. Những người mang dòng máu Việt Nam phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, làm tròn trách nhiệm của mình với đất nước, với lịch sử, để chèo lái con thuyền Việt Nam qua khỏi vùng sóng dữ”. Nguyễn Hoài Bắc |
Theo chuyên gia kinh tế tại Thụy Sỹ Phạm Nam Kim, Việt Nam nói chung và TP. HCM có thể áp dụng mô hình đào tạo nghề kép giống như tại Thụy Sỹ. Đó là mô hình kết hợp liên tục giữa đào tạo tại trường và thực hành tại doanh nghiệp, tạo lợi thế giúp giới trẻ tìm được việc làm. Với phương pháp đào tạo này, học viên có cơ hội ứng tuyển ngay trong doanh nghiệp thực tập và đa số được giữ lại làm nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp.
Quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, ông Đặng Trung Phước (Canada) nêu ý tưởng “Vòng đai xanh TP. HCM” - vùng môi sinh rộng bao quanh hầu hết hoặc toàn bộ chu vi ngoại biên của thành phố. Ông cho rằng, nếu ý tưởng thành hiện thực, TP. HCM sẽ là vòng đai xanh chứa nguồn sinh vật đa dạng phong phú và duy biệt nhất thế giới, góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Dịp này, nhiều kiều bào trẻ và giàu nhiệt huyết đã giới thiệu các mô hình tiên tiến ở ngoài nước như sử dụng xe xanh sạch cho TP. HCM của Việt kiều Trần Tuấn Vũ (Pháp), hay kinh nghiệm giải quyết các vấn đề giao thông của Việt kiều Vũ Lê Hải (Australia)... Tuy nhiên, như lời của GS. Dương Nguyên Vũ (Pháp), “ước mơ vẫn mãi chỉ là ước mơ, chỉ có hành động thật sự mới biến ước mơ thành sự thật. Hy vọng mọi người hãy cùng nhau hành động để TP. HCM trở lại thành “Hòn ngọc Viễn Đông” dẫn đầu trong khu vực.”
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Italy Chủ tịch nước mong rằng mỗi người Việt Nam trong cộng đồng hơn 5.000 người tại Italy sẽ là một nhịp cầu góp phần quảng ... |
Thủ tướng gặp gỡ các trí thức, doanh nhân kiều bào tiêu biểu Chiều 12/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ các chuyên gia, doanh nhân Việt Nam tiêu ... |
Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về Đó là phát biểu chiều 12/11 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016, tổ ... |