📞

Ngân sách cho giáo dục còn nhiều bất cập?

11:33 | 16/11/2018
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nhiều năm qua tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP nhưng vẫn còn nhiều bất cập...  

Trong những năm qua, chính sách giáo dục, đào tạo ở nước ta đã được quan tâm chú ý và đổi mới. Tuy nhiên, theo bà, việc chi ngân sách nhà nước cho giáo dục còn tồn tại những vấn đề gì?

Trước hết, cũng cần khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm xem khoa học và công nghệ cùng với giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư kinh phí cho giáo dục.

Liên tục nhiều năm qua, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đó là sự bất hợp lý trong cơ cấu đầu tư cho giáo dục đào tạo. Tỷ lệ chi thường xuyên chiếm trên dưới 82% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo. Chi đầu tư xây dựng cơ bản rất thấp so với nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm. Do đó, khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học. Đây là một trong những thách thức đang đặt ra đối với lộ trình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong cơ cấu chi theo cấp học, chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chiếm xấp xỉ 70% tổng chi cho giáo dục. Trong khi đó, chi cho đào tạo cao đẳng và đại học trên 12%, giáo dục nghề xấp xỉ 10%. Tỷ lệ này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của khối cao đẳng, đại học, giáo dục nghề nghiệp, khó có điều kiện cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.

Theo tôi, việc quy định chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước ngay trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này là một điểm nhấn quan trọng trong chính sách dành cho giáo dục. Tuy nhiên, cũng nên xác định lại cơ cấu ngân sách đầu tư cho giáo dục bảo đảm hợp lý hơn.

Trong đó, cần tập trung ngân sách nhà nước cho giáo dục phổ cập, hỗ trợ các địa bàn, đối tượng đặc thù. Thực hiện chính sách chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học và Nhà nước đối với giáo dục mầm non, phổ thông các vùng thành thị và giáo dục đại học. Cùng với đó, để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước, cần có thêm chính sách tăng cường nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt trong đào tạo đại học thuộc các ngành kỹ thuật – công nghệ và giáo dục nghề nghiệp.         

So với các nước, trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Việt Nam cao hơn hẳn nhiều nước, thậm chí so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn, chẳng hạn như Singapore (3,2% năm 2010), Malaysia (5,1%), Thái Lan (3,8%). Nhưng theo bà, kết quả thực tế ra sao?

Việt Nam là quốc gia luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền được giáo dục. So với các nước, kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Việt Nam khá lý tưởng, góp phần đem lại những thành tựu quan trọng cho giáo dục nước nhà.

Theo báo cáo của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, nếu so sánh với thứ hạng GDP thì xếp hạng đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam có sự vượt trội hơn hẳn, đứng thứ 45/126 quốc gia (xếp thứ 2 trong nhóm 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đánh giá).

Đặc biệt, báo cáo này cũng chỉ ra một yếu tố quan trọng khiến Việt Nam đạt được thứ hạng cao là sự đầu tư cho giáo dục trong những năm gần đây. Cụ thể, Việt Nam đã đứng đầu hai năm liền (2017 và 2018) về chi tiêu cho giáo dục trong số các quốc gia ASEAN.

Tuy nhiên, hiệu quả chi tiêu công cho giáo dục vẫn còn nhiều bất cập. Việc duy trì ngân sách nhà cho giáo dục ở mức 5%/GDP là một cố gắng lớn của Việt Nam. Nhưng có thể thấy, do cơ cấu đầu tư cho giáo dục, đào tạo chưa hợp lý nên cơ sở vật chất của các trường học của Việt Nam còn quá thấp so với nhiều nước, kể cả các nước trong khu vực.

Đặc biệt, quy mô diện tích của nhiều trường quá nhỏ, tình trạng thiếu phòng học, giảng đường, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ, thư viện, bể bơi, sân vận động khá phổ biến. Do vậy, dù tổng chi ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20%, nhưng chủ yếu đang dành để chi cho con người, khó đảm bảo điều kiện học tập có chất lượng cũng như việc thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. (Nguồn: Infonet)

Từ thực tế đó, chúng ta cần điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư cho giáo dục và đào tạo ra sao, thưa bà?

Đúng vậy, tôi cho rằng cần xác định và điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư cho giáo dục, đào tạo theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. 

Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu chi giữa các bậc học, ngành học. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cả từ ngân sách và xã hội, tập trung ngân sách đầu tư cho mục tiêu phổ cập. Ngoài ra, nên phát triển hài hòa tỷ lệ giữa các ngành đào tạo.

Về cơ chế quản lý, ngân sách dành cho GD&ĐT được phân cấp mạnh theo chiều dọc cho các địa phương và theo chiều ngang cho các bộ, ngành. Nhưng dường như đang thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả.

Đặc biệt, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương dành cho giáo dục hiện đang được thực hiện không thống nhất giữa các địa phương. Do vậy, cần xây dựng cơ chế quản lý ngân sách theo ngành, xác định rõ vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách định kỳ, quản lý và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Như vậy, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng chuẩn đào tạo có phải là giải pháp?

Ðội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Do vậy, một trong những điểm mới của dự thảo luật Giáo dục sửa đổi là việc đặt ra vấn đề nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên.

Theo đó, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm, đối với giáo viên tiểu học là đại học sư phạm. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, việc nâng chuẩn này đã được tính toán kỹ theo một lộ trình cụ thể.

Tuy nhiên, muốn nâng chất lượng đội ngũ cần nâng chuẩn đào tạo là một giải pháp cần thiết, nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Tôi cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác. Trong đó, cần quan tâm nhiều hơn về chất lượng đào tạo của hệ thống các trường sư phạm, quan tâm nhiều tới tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đồng thời, tạo môi trường làm việc tốt và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút người có tài, có tâm lựa chọn nghề giáo. Như vậy mới có thể xây dựng được một đội ngũ nhà giáo giỏi cho ngành để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Xin cảm ơn bà!

Thực tế, nếu so sánh chi phí bình quân/sinh viên của Việt Nam và một số nước trên thế giới cũng thấy mức chênh lệch lớn. Theo thống kê, chi phí bình quân/ sinh viên tại Hoa Kỳ là 19.000 USD; Australia 17.000 USD; Anh 15.000 USD; Hà Lan 12.000 USD; Singapore 9.000 USD; Nhật 5.000 USD; Malaysia 4.000 USD; Trung Quốc 3.500 USD; Thái Lan 2.500 USD. Trong khi đó, Việt Nam dừng ở mức 630 USD/sinh viên.