Các phòng khám IVF xuất hiện khắp châu Á-Thái Bình Dương khi các cặp vợ chồng mong muốn có con muộn hơn - phản ánh những thay đổi xã hội rộng lớn hơn xung quanh sự lựa chọn, kinh tế và thu hẹp chênh lệch giới tính. Ảnh: Shutterstock |
Hy vọng và đau buồn, đã 11 năm kể từ khi lập gia đinh, niềm khao khát được làm mẹ của Jenjira vẫn chưa thành hiện thực, khiến cô hết lần này đến lần khác quay lại các phòng khám hỗ trợ sinh sản tốt nhất ở Bangkok, Thái Lan.
Hiện ở tuổi 45, người mẹ đầy tham vọng này chỉ còn lại hai phôi đông lạnh cuối cùng và tài chính cũng ngày càng cạn kiệt. Sau chín lần cố gắng, cô lo sợ thời gian có thể không còn đủ để ước mơ có con chung với chồng thành hiện thực.
Chia sẻ với tờ This Week in Asia, Jenjira ngậm ngủ: “Tôi đã thực hiện nhiều biện pháp, cả khoa học và cả tín ngưỡng, nhưng có lẽ định mệnh của tôi là không thể có con. Tôi vẫn muốn có con. Nhưng mỗi lần thất bại, chúng tôi rất buồn và chán nản”.
Người phụ nữ này cho biết áp lực muốn có người kế thừa từ nhà chồng và người chồng đã làm gia tăng tổn thất về mặt tinh thần cùng với quãng thời gian dài phải điều trị sinh sản như tiêm hormone, dùng thuốc và tăng cân. Hy vọng của cô ấy sụp đổ khi chu kỳ điều trị thất bại.
Nhân viên y tế thực hiện điều trị sinh sản tại phòng khám IVF ở Bangkok, Thái Lan. Thụ tinh trong ống nghiệm là loại công nghệ hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất được sử dụng trong điều trị sinh sản. Ảnh: AFP |
Áp lực lớn nhưng tiền bạc tiêu không ít
Đến nay, cô đã chi khoảng 5 triệu baht (136.000 USD) cho các chu kỳ điều trị: một tài sản lớn đối với cô nhưng chỉ là một giọt nước trong đại dương kinh doanh trị giá hàng tỷ USD: Sản xuất em bé.
Theo thống kê, tỉ lệ trẻ sơ sinh ở châu Á-Thái Bình Dương đang giảm nhanh do tỷ lệ sinh giảm mạnh, khiến nhu cầu về công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) tăng vọt. Theo dự báo của Allied Market Research, thị trường dịch vụ sinh sản ở khu vực này sẽ có giá trị ước tính khoảng 13,5 tỷ USD vào năm 2028 – gấp đôi giá trị năm 2020.
Trong khi nhiều cặp vợ chồng chờ đợi đến cuối đời - đôi khi là quá muộn - để có con tự nhiên, tỷ lệ vô sinh cũng đang gia tăng ở cả nam và nữ trên toàn cầu. Hàng triệu người khác chỉ đơn giản chọn cách không có con khi các chuyên gia cảnh báo về sự suy giảm nhân khẩu học dường như không thể đảo ngược ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Singapore, Malaysia, Australia và New Zealand cũng gia nhập danh sách ngày càng mở rộng các quốc gia phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm.
Thụ tinh ống nghiệm ART
Thụ tinh trong ống nghiệm (ART) là phương pháp mang thai phổ biến nhất, có chi phí trung bình cho mỗi chu kỳ là 10.200 USD tại các bệnh viện tư nhân ở Singapore, nơi có mức giá cao nhất trong khu vực, trong khi mức giá cho mỗi lần điều trị ở Ấn Độ khá "mềm" vào khoảng 2.700 USD. Một phụ nữ cần tham gia tối thiểu ba chu kỳ IVF, kèm theo nhiều loại thuốc, để hỗ trợ quá trình sản xuất trứng.
Tiến sĩ Colin Lee, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Alpha IVF có trụ sở tại Malaysia cho biết: “Chi phí không hề rẻ nếu bạn đầu tư mọi thứ có thể để tối đa hóa tỷ lệ mang thai. Toàn bộ quá trình IVF khá phức tạp.”
Các phòng khám IVF mọc lên khắp khu vực khi các cặp vợ chồng mong muốn có con, phản ánh những thay đổi xã hội rộng lớn hơn xung quanh sự lựa chọn, kinh tế và thu hẹp chênh lệch giới tính.
Các chuyên gia cho biết nhu cầu về các phương pháp điều trị sinh sản có giá cả phải chăng đang ngày càng cấp thiết - khi họ kêu gọi các chính phủ tăng cường trợ cấp dành cho những phụ nữ muốn sinh con.
Một báo cáo do Đại học New South Wales công bố năm ngoái tiết lộ, tại Australia, cứ 18 trẻ sơ sinh, có một trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF. Luk Rombauts, Giám đốc y tế của Monash IVF và giáo sư tại Đại học Monash ở Melbourne cho biết, nhờ sự tài trợ của chính phủ, hầu hết những bệnh nhân “hiện đã có thể tiếp cận IVF. Ngoại trừ những vùng rất xa xôi của Australia, khả năng tiếp cận nhìn chung là tốt cho hầu hết bệnh nhân.”
Tương tự như vậy ở Singapore, hàng năm, chính phủ nước này đã tài trợ một phần chi phí điều trị sinh sản cho hàng nghìn đợt điều trị ARV mỗi năm (10.800 đợt trong năm 2021).
Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thị trường về du lịch y tế, với một loạt các phương pháp điều trị sinh sản nhắm vào thị trường Trung Quốc rộng lớn, nơi Baidu và WeChat cung cấp những tất cả những thông tin mà bệnh nhân cần, kể cả chi phí và xếp hạng bệnh viện".
Các diễn đàn bằng tiếng Trung đã mô tả Thái Lan là “thánh địa” cho các phương pháp điều trị vô sinh, với cơ sở vật chất tiên tiến nhất và chuyên môn phong phú hơn bất ký quốc gia khác trừ Hoa Kỳ. Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc như Green Bridge chuyên kết nối khách hàng Trung Quốc với các dịch vụ sinh sản của Thái Lan, tự hào với hơn 5.000 ca sinh nở thành công.
Các dịch vụ bổ sung dành riêng cho thị trường Trung Quốc được kết hợp thành các gói, chẳng hạn như ưu đãi trị giá 22.000 USD từ Green Bridge, bao gồm các kỳ nghỉ trọn gói tại các khách sạn năm sao, một trợ lý tận tâm và thậm chí cả một bảo mẫu ở cữ sau sinh 25 ngày.
Hoạt động kinh doanh đang bùng nổ, với các phòng họp trên khắp châu Á ký kết nhiều giao dịch hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vào tháng 4, Tập đoàn sinh sản Jinxin niêm yết ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã mua 30% cổ phần của Morula, nhà cung cấp IVF lớn nhất Indonesia, tiếp thêm động lực cho nền kinh tế sinh sản đang phát triển của khu vực.
Jacinda Ardern bế cô con gái nhỏ Neve vào năm 2018. Cựu thủ tướng New Zealand đã mở lòng về IVF và cuộc đấu tranh của cô để thụ thai trong bài phát biểu chia tay quốc hội năm ngoái. Ảnh: AFP |
Những đột phá trong việc tạo ra em bé
Công việc sản xuất trẻ sơ sinh bắt đầu từ hơn bốn thập kỷ trước, khi 'đứa trẻ trong ống nghiệm' đầu tiên trên thế giới - Louise Brown - được sinh thành công tại Bệnh viện Đa khoa Oldham ở Anh vào lúc nửa đêm ngày 25/7/1978.
Cột mốc IVF đã thúc đẩy một cuộc cách mạng khoa học và xã hội làm thay đổi các lựa chọn tiềm năng cho hàng triệu cặp vợ chồng không có con chỉ sau một đêm.
Kể từ đó, ước tính có khoảng 12 triệu trẻ sơ sinh đã được sinh ra bằng phương pháp điều trị sinh sản. Em bé IVF đầu tiên của châu Á là Samuel Lee, người Singapore sinh năm 1983 nhờ công trình tiên phong của Giáo sư Shan Ratnam.
Bước đột phá này đã mang lại hy vọng cho các cặp vợ chồng không thể có con trên khắp châu Á và từ đó đã tạo ra một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, được hỗ trợ bởi vốn cổ phần tư nhân và các công ty niêm yết, mang lại điều kỳ diệu về cuộc sống cho những người sắp làm cha mẹ.
Quá trình điều trị IVF liên quan đến việc sử dụng thuốc tiêm hormone để kích thích buồng trứng sinh sản, sau đó lấy ra và thụ tinh với tinh trùng bên ngoài cơ thể. Sau khi thụ tinh, phôi thu được sẽ được theo dõi và nuôi dưỡng trong vài ngày trước khi được cấy vào tử cung, giúp tăng cơ hội mang thai thành công.
Lee của Alpha IVF Group cho biết: “Có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn bộ phận liên quan và nếu không có quy mô kinh tế, chi phí thực hiện IVF cho phòng khám thực sự rất cao”.
Để làm cho quá trình này khả thi về mặt tài chính, các chuỗi kinh doanh IVF đã mọc lên cung cấp các cửa hàng tổng hợp về đông lạnh trứng, chu kỳ điều trị và chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, ngay cả khi đó, việc sinh nở thành công vẫn chưa được đảm bảo, độ tuổi quyết định phần lớn kết quả. IVF thành công trong khoảng 30-35% trường hợp đối với phụ nữ dưới 35 tuổi, giảm xuống mức thấp nhất là 7-10% đối với phụ nữ trên 40 tuổi.
Đông lạnh trứng, phương pháp hạn chế số lần người mẹ tương lai phải trải qua một cuộc phẫu thuật nhỏ để lấy trứng, hiện đang là vấn đề chính trị nóng bỏng ở Mỹ, sau khi Tòa án Tối cao Alabama ra phán quyết hồi đầu năm nay rằng phôi đông lạnh là có thể xem như những đứa trẻ còn sống – khiến chúng bị hủy diệt và bị sát hại.
Tuy nhiên, khi tình trạng suy giảm nhân khẩu học ở châu Á ngày càng sâu sắc, các chính phủ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sinh sản trong khi các phòng khám cố gắng thu hút khách hàng bằng cách sử dụng các thuật toán quảng cáo và truyền thông xã hội đầy tham vọng.
Malaysia đang hy vọng tận dụng được lợi thế. Là nơi có 10 trong số 30 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn cầu đã được Ủy ban Chứng nhận Công nghệ Sinh sản độc lập có trụ sở tại Australia chứng nhận, quốc gia này đặt mục tiêu trở thành “trung tâm sinh sản” của châu Á, theo Hội đồng Du lịch Chăm sóc Sức khỏe Malaysia, một cơ quan của Bộ Y tế.
Theo Lee của Tập đoàn Alpha IVF cho biết, tiềm năng tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ đối với dân số 700 triệu người của Đông Nam Á, nhiều người trong số họ vẫn chưa được phục vụ đầy đủ bởi ngành sinh sản trong khu vực. Ông cho biết: “Số lượng chu kỳ trung bình được thực hiện ở Malaysia là khoảng 9.000, vì vậy có rất nhiều cơ hội tăng trưởng”. Triển vọng tăng trưởng tương tự được cho là khả thi ở các quốc gia láng giềng như Indonesia – thị trường nước ngoài quan trọng đối với lĩnh vực IVF của Malaysia – và Philippines .
Tập đoàn Alpha IVF đã có bốn cơ sở chính thức, trong đó có một cơ sở ở Singapore và có kế hoạch mở thêm hai trung tâm ở Đông Nam Á vào tháng 5 năm sau – một trong số đó sẽ ở Indonesia.
Hỗ trợ tinh thần
Hầu hết các cặp vợ chồng đều nhận thức được sự kỳ thị của xã hội và sự thất vọng trong gia đình có thể đi kèm với việc không có con ở châu Á nhưng ít ai đề cập đến áp lực tâm lý cũng như những nhược điểm của phương pháp thụ tinh ống nghiệm này.
Những năm gần đây, một số nhóm hỗ trợ đã được thành lập để lấp đầy khoảng trống thông tin này. Kimberly Unwin, Giám đốc Fertility Support SG, một nhóm tư vấn và vận động tại Singapore dành cho các cặp vợ chồng đang tìm kiếm sự giúp đỡ để có con, cho biết: “Thành thật mà nói, tôi tham gia IVF vì nghĩ nó sẽ dễ dàng và tôi chỉ cần thực hiện một lần là thành công”. Theo cô, nhiều người sắp làm cha mẹ không được chuẩn bị tốt cho những tổn thất về tài chính, thể chất và tinh thần khi điều trị ART.
“Tôi không hề biết rng việc trải qua các phương pháp điều trị sinh sản thực sự rất khó khăn. Việc tự tiêm kim tiêm thật khó khăn vì não tôi bảo tôi không nên làm vậy, nhưng tôi phải làm điều đó bất chấp cơn đau, sáu lần một ngày trong 12 đến 14 ngày liên tiếp”, Unwin nói, “Về mặt tinh thần, cảm xúc của tôi ở khắp mọi nơi – có khoảnh khắc tôi cảm thấy ổn, và khoảnh khắc tiếp theo, tôi đã khóc. Tôi cũng tăng cân rất nhiều… Tôi không chắc là do căng thẳng hay do thuốc”.
Cuối cùng, sau ba năm cố gắng, Unwin đã mang thai đứa con thứ ba – một bé gái vào tháng 5/2023.
Unwin thành lập Fertility Support SG để giúp hướng dẫn các cặp vợ chồng khác trong suốt quá trình, cung cấp dữ liệu về tỷ lệ thành công và lời khuyên về việc điều hướng các thủ tục y tế phức tạp và những khó khăn mà nó có thể liên quan.
Cô đưa ra cái mà cô gọi là “sự hỗ trợ tinh thần rất cần thiết thường bị bỏ qua trên hành trình đầy thử thách này”, thông qua các bài đăng trên Instagram, cuộc trò chuyện nhóm trên WhatsApp và các cuộc gặp mặt trực tiếp hàng tháng đóng vai trò là điểm kết nối cho các cặp vợ chồng đang trải qua các phương pháp điều trị sinh sản.
Unwin nói: “Điều cảm động hơn nữa là một số phụ nữ mà chúng tôi hỗ trợ đã tham gia cùng chúng tôi với tư cách là tình nguyện viên, mong muốn được cống hiến và giúp đỡ những người khác. Cảm giác cộng đồng và sự hỗ trợ này thật vô cùng ấm lòng.”
Nhận thức được rào cản về giá đối với việc điều trị sinh sản, chính phủ Singapore đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho ART từ năm 2008 và đang xem xét tăng số tiền có sẵn cho người dân và đối tác của họ. Các cặp vợ chồng đủ điều kiện hiện có thể nhận được khoản đồng tài trợ lên tới 7.700 SGD (5.650 USD) cho mỗi chu kỳ mới và 2.200 SGD cho mỗi chu kỳ đông lạnh theo chương trình – nhưng chỉ trong ba chu kỳ.
Nhu cầu có thêm trợ cấp của nhà nước ngày càng lớn, từ Thái Lan, nơi Bộ trưởng y tế nước này đã đưa ra ý tưởng giúp người Thái điều trị sinh sản, cho đến Australia, một quốc gia nổi tiếng với luật pháp tiến bộ và cơ cấu hỗ trợ cho những người tìm kiếm IVF và các liệu pháp liên quan.
Theo Đại học New South Wales, tỷ lệ sinh sản đã giảm ở cả Australia và New Zealand trong những năm gần đây, nhưng những đứa trẻ được sinh ra sau khi điều trị bằng ART đã đạt mức cao kỷ lục - với hơn 20.000 ca vào năm 2021.
Chính phủ Australia cung cấp bảo hiểm cho IVF thông qua chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn dân Medicare do chính phủ tài trợ, đồng thời các phương pháp điều trị sinh sản do chính phủ tài trợ cũng có sẵn cho các bệnh nhân đủ điều kiện ở New Zealand.
Tuy nhiên, bất chấp quyền tiếp cận được trợ cấp, vai trò của tuổi tác trong sự thành công của IVF có thể khiến phụ nữ tiếp tục các phương pháp điều trị vui vẻ, hy vọng đạt được bước đột phá nhưng đau đớn nhận ra tỷ lệ của họ giảm dần khi mỗi năm trôi qua.
"Tôi nghĩ những người duy nhất có thể hiểu bạn là những người khác cũng trải qua điều tương tự", Kate, 36 tuổi người Australia đang điều trị IVF.