📞

Ngành mía đường 'gặp khó' khi hội nhập ATIGA

Văn Cường 12:22 | 09/04/2021
Do Covid-19 và ảnh hưởng của việc thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với đường nhập khẩu từ bên ngoài.
Sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao. (Nguồn: Báo Phụ nữ Online)

Kể từ ngày 1/1/2020, thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn. Trong khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu giảm sút, giá đường giảm, việc tiêu thụ trở nên khó khăn, việc nhập khẩu đường đã bùng nổ với lượng nhập rất lớn.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam là chủ yếu (89,94%).

Chỉ trong vòng 5 tháng từ tháng 10/2020 đến hết tháng 2/2021, các doanh nghiệp vẫn ồ ạt nhập khẩu đường mía, số lượng lên đến hơn 826,2 nghìn tấn, với giá trị khoảng hơn 8.500 tỷ đồng và chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan.

Báo cáo Hiệp Hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, do tác động của dịch Covid-19, năm 2020, đã có 1/3 nhà máy đường phải đóng cửa và nhiều doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân là do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân cũng như chi trả tiền lương cho người lao động.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao. “Hiện, ngành đường Thái Lan đang được Chính phủ quốc gia này hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, giá đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu từ Thái Lan” - Tổng Thư ký VSSA Nguyễn Văn Lộc cho hay.

Đáng nói, giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu cũng như thu nhập của nông dân. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã tăng giá thu mua mía lên 800.000 - 850.0000 đồng/tấn nhằm khuyến khích nông dân giữ diện tích mía cho vụ tới.

Việt Nam là một trong những sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN, nhu cầu tiêu dùng trực tiếp sử dụng và sản xuất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm.

Tại Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, ngành mía đường chấp nhận hội nhập, và thực tế cho thấy năng suất, trình độ sản xuất của ngành không thua kém các nước.

So với các nước trong khu vực châu Á và ASEAN, sản lượng sản xuất đường trung bình hàng năm của Việt Nam đứng thứ 6 sau các nước: Trung Quốc (10 triệu tấn), Thái Lan (8 - 9 triệu tấn), Australia (4 triệu tấn), Indonesia (2 triệu tấn) và Philippines (2 triệu tấn).

Theo VSSA, trong khối ASEAN có 4 quốc gia sản xuất mía đường chính là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Trong khi Việt Nam đã cam kết ATIGA và nghiêm túc thực hiện thông qua việc gỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2020 thì một số quốc gia lại không hề mở cửa thị trường đường mà áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước.

Như Philippines thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015, đường có nguồn gốc ASEAN được tự do nhập khẩu nhưng phải đưa vào kho, chỉ được đưa ra tiêu thụ theo sự điều phối của cơ quan quản lý.

Hay ngành mía đường Thái Lan được quản lý bởi Luật Mía đường, được chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp (1,3 tỷ USD/năm), tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào.

Với những lợi thế trên, đường Thái Lan khi "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam đã nhanh chóng chiếm được thị phần lớn và tất nhiên doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh khi giá đường cao so với đường Thái Lan.

Do đó, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Đặc biệt, đăng ký công bố áp dụng đường là mặt hàng nhạy cảm cao theo điều 24 của ATIGA đối xử đặc biệt cho đường và gạo như Philippines và Indonesia đã và đang áp dụng.