📞

Ngành Ngoại giao - Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế

10:00 | 20/03/2020
TGVN. Thời gian qua, ngành Ngoại giao đã chủ động triển khai toàn diện và hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngày càng phong phú hơn về nội dung và sáng tạo về hình thức; không ngừng nỗ lực nhằm tạo dựng và giữ vững môi trường đối ngoại, khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hội nhập và phát triển kinh tế. 
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thành Sơn trao đổi với các nghị sỹ EU trong chuyến công tác châu Âu, tháng 2/2020.

Đánh giá về công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) thời gian qua, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trên phương diện song phương, Bộ Ngoại giao tái khẳng định tầm quan trọng của việc hình thành các kênh hợp tác mới, củng cố và tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược và toàn diện, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ kinh tế song phương. Mục tiêu này đã được thể hiện mạnh mẽ qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo ta trong năm vừa qua.

Dấu ấn đa phương

Trên phương diện đa phương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ, Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành đã vận động thành công và chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào cuối tháng 6/2019, khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam là một trong bốn nước châu Á đầu tiên và là nước ASEAN thứ hai ký kết FTA với EU.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, việc EVFTA và EVIPA chính thức được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua ngày 12/2/2020 đã mở ra chân trời hợp tác ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn giữa Việt Nam và EU sau đúng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1990–2020).

Thứ trưởng nhận định, trước hết, hai Hiệp định sẽ tạo dựng các khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp vào với xu thế chung về thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.

Thứ hai, việc phê chuẩn các Hiệp định khẳng định chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN.

Thứ ba, việc EP bỏ phiếu thuận phê chuẩn EVFTA và EVIPA ngay đầu nhiệm kỳ mới cũng cho thấy lợi ích kinh tế to lớn của hai Hiệp định này. EVFTA sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực; GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035. Đối với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu Việt Nam; việc thực hiện EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025.

Thứ tư, việc ủng hộ thông qua FTA chất lượng cao đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển cho thấy quyết tâm của EU tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư dựa trên luật lệ. Quyết định của EP sẽ tạo thêm niềm tin và củng cố xu thế liên kết kinh tế quốc tế và thương mại mở và tự do.

Bên cạnh hai hiệp định lớn với EU, Bộ Ngoại giao cũng tích cực thúc đẩy việc thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm đầu tiên kể từ khi có hiệu lực và coi đây là một trong những trọng tâm của công tác NGKT 2019.

Thời gian qua, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, ngành Ngoại giao có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy các lợi ích kinh tế thiết thực và nâng cao hình ảnh, vị thế đối ngoại của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế. Tranh thủ tối đa hiệu ứng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Bộ Ngoại giao đã tích cực thúc đẩy hợp tác với WEF đi vào chiều sâu, trong đó có việc ký kết Thỏa thuận thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và Ý định thư hợp tác xử lý rác thải nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2019 được xem là năm bản lề quan trọng của Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành liên quan trong công tác chuẩn bị, nhằm đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) về phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo gắn với công nghệ số và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Ngành Ngoại giao cũng quan tâm phát huy vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong như Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS).

Tại phiên họp toàn thể ngày 12/2 ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA với tỷ lệ phiếu áp đảo. (Nguồn: EC)

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương

Xác định nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao cùng mạng lưới các cơ quan đại diện trên toàn thế giới đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, nhất là đối với các đối tác chủ chốt và thị trường lớn.

Trong năm 2019, Bộ Ngoại giao đã quan tâm khai thác các diễn đàn đa phương và sự kiện quảng bá lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (22 - 26/1), Ngày ASEAN - Nhật Bản (4/6), chuỗi hoạt động quảng bá tại Hokkaido, Nhật Bản (14 - 16/9) và tại Ấn Độ (18 - 22/11) để tạo cầu nối đưa doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới nắm bắt các xu thế phát triển mới, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tập đoàn trên toàn cầu.

Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm giới thiệu Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới BlackRock và các mô hình đầu tư mới của Quỹ này trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng với các Bộ, ngành và tập đoàn nhà nước nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Bộ Ngoại giao cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy ký Nghị định thư về xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa vào thị trường Trung Quốc; mở rộng các mặt hàng hoa quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và mở đường cho xoài Việt Nam vào thị trường Mỹ sau 10 năm vận động.

Thông qua kênh ngoại giao và mạng lưới quan hệ ở sở tại, trong những năm vừa qua, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài như: Vietjet mở đường bay trực tiếp đến Ấn Độ, TH Truemilk đầu tư sang Nga; Viettel, FPT đầu tư sang Slovakia; Tập đoàn Cao su Việt Nam sang Belarus; Tập đoàn Xuân Thiện sang Cameroon...

Đối với địa phương, Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, hỗ trợ, dành ưu tiên cho các địa phương khó khăn, ở vùng sâu, xa, ít có cơ hội tiếp xúc, làm việc với đối tác nước ngoài. Trong năm 2019, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm trong chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ”, “Quảng bá địa phương tại nước ngoài (Viet Nam Provincial Roadshow – VPR)”, “Giới thiệu địa phương”, bên cạnh đó đã tổ chức hơn 60 lớp đào tạo bồi dưỡng trong nước cho các lãnh đạo, cán bộ địa phương, với số lượng tăng 102,2% so với năm 2018.

Ứng phó với thách thức năm 2020

Xác định những nhiệm vụ trọng tâm của NGKT năm 2020, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, bước sang năm 2020, tình hình thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh và khó lường, cơ hội và thách thức đan xen.

Nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái với mức dự báo tăng trưởng toàn cầu thấp nhất trong một thập kỷ qua. Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump bước vào giai đoạn quyết định trong tranh cử nhiệm kỳ hai, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu… đang là những yếu tố rủi ro tác động tới nền kinh tế thế giới. Năm 2020 cũng là mốc thời gian quan trọng khi đất nước hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020 và đảm nhiệm vai trò “kép” tại ASEAN và Liên hợp quốc.

“Trong bối cảnh đó, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong công tác NGKT nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của đất nước, triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đã đề ra, bám sát Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và thực hiện nhiệm vụ được Lãnh đạo Cấp cao chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 30”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

(ghi)