📞

Ngành Ngoại giao: Tâm thế mới trong tình hình mới

Khôi Nguyên 08:00 | 30/01/2022
Đổi mới, sáng tạo, hướng tới xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại là những nội dung được chú trọng trong một loạt sự kiện quan trọng cuối năm qua của công tác đối ngoại nói chung, ngành ngoại giao nói riêng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trưởng thành hơn về mọi mặt

Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đầu tiên tổ chức ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói là “cái gốc của mọi công việc”.

Đề cập những “kết quả, thành tích rất tốt đẹp” mà chúng ta đạt được khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại trong 35 năm qua, Tổng Bí thư cho rằng, các thế hệ cán bộ đối ngoại, trong đó có đội ngũ cán bộ của Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, với chức năng tham mưu và trực tiếp triển khai công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

“‘Mang chuông đi đánh xứ người là một công việc rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại. Những nỗ lực trên mặt trận đối ngoại thời gian qua đã tạo ra lớp lớp thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên, bước đầu thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách của ngoại giao Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư nói.

Trong khi đó, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 ngày 15/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngành Ngoại giao đã đạt được một số thành tựu xuất sắc, trong đó có việc nắm chắc tình hình, dự báo chiến lược để kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành các hoạt động đối ngoại; góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà đất nước đảm nhiệm tại các tổ chức quốc tế; hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trong đó có ngoại giao vaccine đạt được kết quả quan trọng; góp phần tăng cường cảm tình, sự quý trọng, tin tưởng và hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, “lực lượng Ngoại giao Việt Nam trưởng thành hơn về mọi mặt, tư duy, hành động và hiệu quả”.

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng lập ra nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại. Trong hơn 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Ngoại giao Việt Nam luôn là một “mặt trận chiến lược”, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới, Ngoại giao cùng các cấp, các ngành đóng góp quan trọng vào giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ đồ, tiềm lực và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Trong tham luận tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, chính sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã tôi luyện ngành Ngoại giao ngày càng trưởng thành về bản lĩnh và trí tuệ, phát triển vững mạnh về tổ chức và lực lượng. Đặc biệt là, đã từng bước xây dựng và phát triển một trường phái ngoại giao Việt Nam độc đáo dựa trên nền tảng tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, thấm đậm truyền thống, bản sắc ngoại giao và khí phách, cốt cách của dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 ngày 18/12. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vị thế mới cần tâm thế mới

Cùng với đất nước, ngành Ngoại giao đang bước vào giai đoạn chiến lược mới, với quyết tâm cao thực hiện khát vọng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong khi đó, bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động lớn, phức tạp, khó lường, đem tới nhiều cơ hội, thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức lớn đối với môi trường an ninh và phát triển của đất nước, ngành Ngoại giao được giao phó những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang.

Đó là, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Chủ trương mà Đại hội XIII của Đảng đề ra - “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”, là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài đối với đối ngoại nói chung, ngành Ngoại giao nói riêng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tình hình mới đòi hỏi cán bộ làm công tác đối ngoại ngày nay càng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; có tư duy hiện đại trong nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình để tham mưu, đề xuất chính sách, chiến lược; có nền tảng kiến thức toàn diện, tổng hợp về nhiều lĩnh vực và quan trọng hơn hết, phải có lòng tự hào về lịch sử truyền thống của dân tộc, của ngành ngoại giao và có khát vọng cống hiến vì một đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, theo như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, cần phải “nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, với sự “thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động”, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đã nhất trí thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động với các biện pháp, phương hướng cụ thể, trong đó có việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại cả về chính trị, tư tưởng và đạo đức, trí tuệ. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; xây dựng “hệ thống chính trị trong ngành Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại”.

Quá trình xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao trong 76 năm qua cho thấy mỗi khi khó khăn, thử thách càng lớn, thì khát vọng vươn lên càng cháy bỏng, ý chí và quyết tâm càng cao, trí tuệ và bản lĩnh của ngoại giao càng được phát huy.

Trong thời gian tới, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, phát huy truyền thống vẻ vang, thành tựu đối ngoại, thế và lực mới của đất nước với nền tảng văn hóa dân tộc, bản sắc ngoại giao cách mạng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngành Ngoại giao sẽ nêu cao đoàn kết, chung sức, chung lòng, trong - ngoài phối hợp chặt chẽ, giữ vững bản lĩnh, quyết tâm khắc phục khó khăn, khuyến khích và đẩy mạnh tư duy đổi mới, sáng tạo, tìm cách làm mới, hướng đi mới có hiệu quả cao hơn, để triển khai thắng lợi mọi nhiệm vụ đối ngoại được Đảng và Nhà nước giao phó.

“Cuối cùng, điều cốt yếu là xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách và phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.

(Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn)