“Ngoài” nhiều hơn “trong”
Hai năm liên tiếp 2007-2008, ngành thép thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của cả trong và ngoài nước, trong đó có những dự án lên tới hàng tỷ USD như dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh, dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận... Không chỉ lớn về quy mô, ngành thép còn có sự bùng nổ về tốc độ khi có tới 32 dự án ngoài quy hoạch được cấp phép.
Kết quả kiểm tra quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015 của Bộ Công thương cách đây 2 tuần cũng cho thấy, dọc Việt Nam đâu đâu cũng mọc lên các dự án thép. Tập trung nhiều nhất ở miền Bắc, từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… Nhiều nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu với 7 dự án, Hải Phòng : 5 dự án, Hải Dương: 4 dự án, Hà Tĩnh: 3 dự án... Với 32 dự án ngoài quy hoạch, Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược công nghiệp cho rằng công suất có thể lên đến… 60 triệu tấn. Trong khi quy hoạch ngành thép đã được Thủ tướng phê duyệt chỉ dự báo đến năm 2010 đạt khoảng 10-11 triệu tấn, năm 2025 khoảng 24-25 triệu tấn.
Như vậy, với công suất dư thừa, Việt Nam chắc chắn sẽ phải xuất khẩu thép. Tuy nhiên, chen chân vào thị trường xuất khẩu không hề dễ như các chủ đầu tư hứa hẹn, khi mà Việt Nam ở ngay sát các “nguồn cung” thép khổng lồ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Dễ hiểu vì sao, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam có lý do để lo ngại “chỉ vài năm tới, ngành thép sẽ phải đối mặt với một cuộc đại khủng hoảng thừa”.
Nhưng tại sao lại có sự bùng nổ ngoài quy hoạch này?
Bộ Công thương lý giải do dự báo nhu cầu tiêu thụ thép cũng như giá thép trong nước tăng nhanh đã trở thành “lực hút” các dự án đầu tư đổ vào ngành thép. Nhưng nguyên nhân chính được Bộ thừa nhận dẫn đến việc vỡ quy hoạch lại nằm ở chính…cơ chế chính sách Nhà nước.
Đó là Luật Đầu tư mới, cho phép phân cấp về địa phương theo đó địa phương được quyền quyết định với các dự án luyện kim có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ (nhóm B). Kể từ khi luật này có hiệu lực, các địa phương có vẻ đã vận dụng rất “xuất sắc”. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn những dự án ngoài quy hoạch đã ồ ạt được cấp phép ở khắp mọi nơi.
Tính đến nay số dự án “vỡ kế hoạch” đã bỏ xa các dự án trong quy hoạch với 32 trên 23 dự án. Trong đó có 24 dự án bị coi là vượt rào vì hoàn toàn chưa được sự chấp thuận của Chính phủ và không hề xin ý kiến của Bộ quản lý ngành (Bộ Công thương) kể cả các dự án có vốn FDI.
Địa phương vượt rào, lỗi tại… trung ương
Gọi là vượt rào vì tuy Luật Đầu tư cho phép địa phương cấp phép những dự án dưới 1.500 tỷ nhưng Luật Xây dựng lại… không cho. Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn quy định, đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.
23 là số dự án trong quy hoạch. Trong đó: 17 dự án đã được triển khai với 4 dự án đi vào sản xuất; 6 dự án chưa hoặc ngừng triển khai. 32 là số dự án ngoài quy hoạch.Trong đó: 3 dự án liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư; 5 dự án quy mô vừa được Bộ Công thương có ý kiến thỏa thuận; 24 dự án quy mô vừa và nhỏ không có ý kiến cho phép của Thủ tướng hay Bộ Công thương, kể cả FDI. |
Rõ ràng địa phương vượt rào nhưng lỗi lại thuộc về… trung ương khi để tồn tại sự “vênh nhau” giữa giữa các văn bản pháp luật. Dù các dự án đầu tư đều phải chịu sự quản lý của cả hai luật, nhưng khi một luật “cho”, một luật “không cho” thì các địa phương – dựa trên lợi ích và mong muốn của mình - đã chỉ căn cứ theo luật “cho”.
Nhờ có khe hở này mà mấy năm qua, các tỉnh đã “lách” qua để cấp phép tràn lan cho những dự án thép vào địa phương mình, gây nên một trào lưu “dự án thép”. Phong trào làm thép còn “mốt” đến mức độ đã có hiện tượng cát cứ ở một số nơi như không cho vận chuyển sản phẩm quặng sắt ra khỏi tỉnh mình gây khó khăn cho các doanh nghiệp thu mua quặng sắt. Bộ Công thương cũng khẳng định việc yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến sâu tại chỗ trong khi chưa xác định chắc chắn nguồn nguyên liệu quặng sắt có nguy cơ phá vỡ quy hoạch được duyệt và gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Kết quả thấy được là ngành thép hiện đang vỡ kế hoạch và đối diện với nhiều hệ lụy từ “cơn sốt luyện kim”.
Bài 2: Bài học cũ, “nạn nhân” mới
Theo Phan Hùng - VNN