Quảng trường San Marco, Venice ngập trong nước. (Nguồn: Getty) |
Venice, thiên đường du lịch nổi tiếng dọc bờ biển Đông Bắc của Italy đã thực sự bị chìm dưới nước. Ngày 12/11 vừa qua, thành phố này đã phải đối mặt với cơn triều cường mạnh nhất trong 50 năm qua. Mực nước dâng lên mức 187cm, chỉ kém 7cm so với mức kỷ lục năm 1966.
Tình hình ngập lụt kéo dài trong cả tuần tiếp theo, khiến quảng trường trung tâm San Marco cùng nhiều địa điểm du lịch khác ngừng đón khách, và các trường học phải đóng cửa trong nhiều ngày liên tiếp.
Đảo chìm
"Thành phố nổi" Venice được xây dựng trên quần thể 118 hòn đảo nhỏ kết nối với nhau bằng các cây cầu và kênh rạch. Hàng ngày, khi thủy triều dâng lên, nước biển sẽ chảy vào những con kênh này, khiến mực nước dâng cao; khi thủy triều hạ xuống, nước lại thoát ra. Chính vì thế, xung quanh Venice là nước lợ.
Bên cạnh đó, nguồn nước ở Venice bị ô nhiễm khá nặng do nước sinh hoạt liên tục thải xuống những con kênh này. Đôi khi, ảnh hưởng của thời tiết khiến thủy triều lên cao bất thường và kéo dài từ hai đến bốn giờ. Người Venice gọi hiện tượng này là “acqua alta”, nghĩa là khi thủy triều dâng lên cao hơn 80cm so với mặt nước biển.
Acqua alta không hề mới mẻ đối với người dân Venice. Đây là một hiện tượng định kỳ, đặc biệt vào tháng 11 và mùa Đông. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc thủy triều dâng quá cao lại diễn ra thường xuyên với mức độ trầm trọng hơn. Trong giai đoạn từ 1875-1951, thủy triều dâng hơn 110 cm chỉ diễn ra 30 lần song chỉ từ năm 2014-2018, hiện tượng này xảy ra tận 34 lần.
Nếu tiếp tục, các danh lam thắng cảnh từng thu hút hàng triệu khách du lịch sẽ bị nước muối phá hoại. Bề mặt chạm khảm tinh tế của quảng trường San Marco đã bị hỏng, nhà thờ phong cách baroque San Moise và trường đại học phong cách gothic của thành phố ít nhiều không còn nguyên vẹn...
Bí biện pháp
Đại hệ thống đê chắn lũ có tên MOSE bao giờ mới sẵn sàng chắn lũ nhằm cứu nguy cho Venice? |
Cả thế giới đang hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu và Italy không phải là ngoại lệ. Quốc gia Địa Trung Hải đang phải chống chọi với hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là ở khu vực Veneto. Acqua alta đe dọa sự tồn tại của một thành phố vốn đang gồng mình chống chọi lại sức nặng của du lịch không bền vững. Cơ hội sống còn của thành phố vẫn còn, thế nhưng lại bị phủ lấp bởi một bản kế hoạch dài hơi có tuổi đời gần 20 năm mà không có hành động thiết thực nào.
Venice dường như chưa sẵn sàng để chống lại sự biến đổi của khí hậu. Chính quyền thành phố chỉ đưa ra một tài liệu rất chung chung vào năm 2014 mang tên Venezia Clima Futuro, được cho là sẽ biến chuyển thành một kế hoạch thực tế vào năm 2020, hơi muộn cho một thành phố có nguy cơ bị chìm chỉ trong vài năm tới.
Trong khi đó, chính quyền khu vực Veneto, do đảng cánh hữu Lega lãnh đạo, đã liên tục bỏ phiếu chống lại các biện pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Hy vọng lớn nhất cho Venice nằm ở đại hệ thống đê chắn lũ có tên MOSE, bao gồm 78 cửa ngăn bằng kim loại được chia làm bốn khối chính và lắp đặt tại ba kênh đào. Hệ thống sẽ dâng lên để chặn dòng nước khi mực thủy triều vượt 110 cm, nhưng điều này sẽ hạn chế mức lưu lượng tàu đến cảng du lịch Venice và cảng công nghiệp Marghera gần đó.
Hệ thống đập chắn MOSE đã tiêu tốn hơn 6 tỷ euro kể từ khi khởi công năm 2003 và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, dự án lùi đến năm 2021 hoặc 2022 do bê bối tham nhũng. Trong 16 năm kể từ khi khởi động, khoản ngân sách để hoàn thành dự án tăng chóng mặt, tới 7 tỷ USD và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Một cuộc điều tra năm 2014 về kế hoạch xây dựng MOSE đã dẫn đến việc 35 người bị bắt giữ, trong đó có cựu Thống đốc Veneto Giancarlo Galan.
Ngoài ra, khó khăn còn nằm ở mặt kỹ thuật do về bản chất, MOSE vẫn chỉ là một bản thử nghiệm. Chưa rõ giải pháp gì khả thi để cứu dự án khổng lồ này khi mà nhiều phần hạ tầng dưới mặt nước đã bắt đầu gỉ sét. Chi phí duy trì hệ thống hàng năm lên tới hơn 100 triệu USD, cao hơn nhiều so với dự toán.
Một số chuyên gia cho rằng với tốc độ dâng cao của mực nước biển, đập chắn có thể không còn tác dụng sau vài thập kỷ. Trong khi đó vẫn còn không ít nghi ngại liệu hệ thống MOSE bao giờ mới sẵn sàng chắn lũ.
Theo Luca Sittoni, kỹ sư người Venice đang nghiên cứu cách chống thủy triều dâng tại Hà Lan, MOSE có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cứu Venice, nhưng các giải pháp thay thế đã có sẵn. Các quốc gia khác cũng đang đối phó với nước dâng cao đã chuyển từ các giải pháp kỹ thuật truyền thống sang các biện pháp thích ứng mới, tập trung vào việc sử dụng quá trình tự nhiên để giảm thiểu tác động của thời tiết thay vì sử dụng sức người để chống lại nó.