📞

Ngày 20/10: Phụ nữ hãy tự thương mình

Lưu Đình Long 10:10 | 19/10/2022
Ngày 20/10, nghĩ về việc người phụ nữ phải biết làm chủ bản thân, ngoài kỹ năng, tài chính còn là thái độ không lệ thuộc vào ai...
Ngày 20/10, người phụ nữ hãy tự thương mình, biết làm chủ bản thân. (Ảnh minh họa)

Tuy không phải là chuyên gia tâm lý, nhưng tôi có duyên được nghe chia sẻ của nhiều chị em - là những phụ nữ gần mình. Với đặc tính mềm mỏng, tình cảm, nữ giới thường chịu thương, chịu khó và chịu thiệt về mình để giữ hạnh phúc gia đình hoặc giữ yên ổn một mối quan hệ tình cảm mà họ đặt lòng tin, hy vọng vào.

Có lần, tôi nghe chị bạn là doanh nhân của một doanh nghiệp nhỏ chia sẻ: “Ai cũng nghĩ chị mạnh mẽ vì trong công việc, chị là nữ tướng. Nhưng khi về nhà, chị luôn phải nhẫn nhịn chồng”.

Chị kể, người đàn ông của chị khá gia trưởng khi lúc nào cũng muốn quyết định mọi thứ, ngay cả khi được can ngăn không nên làm như vậy. Sau đó, sự việc dẫn tới những hậu quả không mong muốn nhưng anh ta luôn có lý do để biện hộ cho sai lầm của mình.

Thực ra, người đàn ông có bản lĩnh sẽ lường được những điều kiện khách quan có thể xảy đến, gây ra những thất bại. Và họ cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu quyết định của mình không đúng. Quan trọng hơn, họ sẽ lắng nghe để có thể cùng người yêu/bạn đời của mình chèo lái con thuyền gia đình đi qua sóng gió.

Chị không nhìn thấy được tố chất ấy ở người đàn ông bên cạnh mình mười mấy năm, có hai mặt con, nhưng chị không thể dứt ra. “Nếu ly hôn, các con sẽ tủi thân vì ba mẹ không hạnh phúc. Rồi các con có suy nghĩ, hành động thiếu kiềm chế, dẫn tới khổ cho con hơn không”, chị băn khoăn.

Tuy nhiên, để các con “hưởng” một gia đình đầy đủ ba mẹ nhưng mẹ không hạnh phúc, không tìm thấy niềm vui bên người chồng, cũng là ba của bọn trẻ thì liệu chúng có vui không?

Nhiều chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học đã khẳng định, cái lõi của gia đình phải là hạnh phúc. Và tất nhiên, để có hạnh phúc thì mỗi người phải chung tay xây dựng, trong đó vai trò quan trọng nhất chính là ba mẹ. Hai vợ chồng khi sống chung một nhà nhưng “đồng sàng dị mộng” sẽ sinh ra những năng lượng tiêu cực cùng từ trường tương ứng. Con cái sống chung sẽ cảm nhận được hết. Đừng tưởng trẻ con không biết gì.

Thực sự, không có người phụ nữ nào mong gia đình mình đổ vỡ. Cũng ít phụ nữ khi đã làm mẹ rồi lại sống không chuẩn mực vì họ hiểu, mình chính là người giữ lửa cho tổ ấm. Nhưng một khi, mọi thứ đã đi quá xa, nỗi muộn phiền đã dày theo năm tháng mà người đàn ông bên cạnh vô tâm hoặc cố ý làm khổ mình thì lựa chọn thương chính mình cũng là cách để giữ hạnh phúc còn sót lại của những đứa trẻ.

Có những người con đã vui mừng khi ba mẹ mình ly thân. Không phải họ không muốn một mái ấm đầy đủ phụ huynh nhưng vì mẹ họ đã chịu đựng quá đủ. Bản thân họ cũng không thể chịu đựng thêm cảnh cự cãi, chiến tranh lạnh, thậm chí dùng vũ lực của người lớn, trong đó phụ nữ là người hứng chịu nhiều nhất. Đôi khi chia tay tưởng là mất mát nhưng thực ra lại là giải thoát cho nhau.

Chị nhìn rộng ra và đã mạnh mẽ hơn. “Ừ, chị phải thương mình”, chị nói. Đó là lời cam kết của chị 3 năm trước. Sau dịch Covid-19, tôi gặp chị, chị vẫn mạnh mẽ trong vai trò nữ tướng và trẻ hơn xưa. Tin không hề sốc với tôi chính là “chị đã ly hôn rồi, các con chị đồng ý và vui vẻ”.

Bọn trẻ bây giờ thật hiểu chuyện. Do vậy, chúng không bao giờ “bắt ép” người lớn phải chịu đựng. “Mẹ cứ quyết định hạnh phúc của đời mình”, con gái lớn của chị đang học lớp 10 nắm tay mẹ nói. Chính cô bé là người đã giúp mẹ nói cho em trai mình hiểu tình trạng gia đình, để em cũng chấp nhận như chị. Tôi bảo, mừng cho chị vì đã có cô con gái tuyệt vời. Tin rằng, sau này cô bé cũng sẽ là nữ tướng giỏi, ít nhất là với chính cuộc đời mình.

Làm chủ bản thân, ngoài kỹ năng, tài chính còn là thái độ không lệ thuộc vào ai của người phụ nữ phải được phát huy từ bé. Đa số nữ giới Việt Nam và phương Đông được giáo dục rằng, nữ nhi yếu đuối, sau này kiếm tấm chồng để nhờ. Rồi quan niệm xưa cho rằng có chồng thì “trong nhờ đục chịu”, đã trói buộc người phụ nữ trong sự cam chịu.

Chịu đựng hay hy sinh phải nằm trong ý nghĩa để cho người trong cuộc tốt lên, tình trạng mối quan hệ khởi sắc hơn chứ không phải dung dưỡng thói xấu, nhất là bản tính gia trưởng, xem phụ nữ chỉ là phái yếu bên cạnh rồi muốn làm gì thì làm.

Thực ra, phụ nữ không dám quyết định "bẻ gãy" hôn nhân không hạnh phúc đa phần vì tình mẹ không cho phép. Suy nghĩ về con cái phải sống khổ hơn về vật chất khi bản thân bươn chải một mình giữ chân họ lại. Tất nhiên, điều này xuất phát bởi ngay từ đầu phụ nữ đã để mình lệ thuộc quá nhiều, chấp nhận quá dễ dàng những tính xấu của chồng. Theo năm tháng, điều đó thành thói quen, để rồi người đàn ông được “đặc quyền” lớn tiếng, gằn giọng trong mọi lúc mọi nơi.

Phản kháng ngay từ đầu để tạo thế đứng cho mình trong mối quan hệ vợ-chồng, cùng xây dựng, cùng làm chủ gia đình chính là sự “trung dũng, kiên cường” của nữ giới trong thời đại ngày nay. Ông bà mình nói “của chồng công vợ”, đây không chỉ là chuyện tài sản mà rộng ra còn là hạnh phúc gia đình mà mỗi thành viên chung hưởng.