Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Dự thảo Luật gồm 10 điều; trong đó 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. (Nguồn: VPQH) |
Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, việc sửa đổi một số điều của 8 luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Dự án là hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được tính toán khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 Quốc hội đã bố trí 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng) Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn NSNN đã bố trí cho ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 - 2025. Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%, gồm chi phí dự phòng và chi phí bảo hành công trình).
Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có quy định hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Thành phố và bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước.
Nghị quyết nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thành phố, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố.
| Bốn nội dung lớn được thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV Sáng ngày 4/1, ngay sau khi kết thúc khai mạc, Kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV đã xem xét, thảo luận ... |
| Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, ... |