Sau ba năm làm Tổ trưởng Tổ phóng viên thường trú của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) tại Đặc khu Quảng Đà, cuối tháng 2/1975, tôi nhận quyết định làm Tổ trưởng Tổ phóng viên TTXGP tại tỉnh Quảng Ngãi.
Một buổi sáng, vừa cuốc bộ vượt qua Dốc Cọp, một con dốc khá cao, tôi dừng lại bên đường nghỉ thì thấy mấy chiếc xe ô tô U-oát của Liên Xô đi đến rồi dừng lại cách tôi chỉ vài chục mét. Từ trên hai chiếc xe bước ra, tôi nhận ra Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công và Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân cùng một số cán bộ tháp tùng. Hai vị chỉ huy cao nhất của Đảng và Quân Giải phóng tại Khu V trò chuyện với nhau những gì tôi không thể biết, chỉ thấy thỉnh thoảng cả hai cùng cười, nhưng gương mặt vẫn có vẻ đăm chiêu, dường như đang chứa đựng một điều gì rất hệ trọng. Rồi tôi thấy hai vị bắt tay nhau, chia tay. Chiếc xe ô tô chở Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân tiếp tục đi vào phía Nam, còn chiếc xe chở Bí thư Khu ủy Võ Chí Công quay ngược trở ra.
Dương Đức Quảng. |
Mãi sau này, khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc, tôi mới biết, hôm đó Bí thư Khu ủy Võ Chí Công tiễn Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân lên Đắc Lắc kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi quân ta mở màn chiến dịch Tây Nguyên bằng trận đánh lịch sử, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột (ngày 10/3/1975). Đó cũng là trận đánh mở màn cho cả đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 trên toàn miền Nam, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Vào tới Quảng Ngãi được ít ngày, tôi nhận được tin Quân Giải phóng đã đánh chiếm Buôn Mê Thuột, mở màn chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi. Bị đánh bất ngờ, thất thủ Buôn Mê Thuột, quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên bắt đầu nao núng rồi nhanh chóng hoảng loạn, tan rã, tháo chạy khỏi địa bàn chiến lược này.
Ở Quảng Ngãi, Lữ đoàn 52 chủ lực của ta cùng các đơn vị bộ đội địa phương và du kích khắp các xã phối hợp với mặt trận Tây Nguyên, đồng loạt mở các đợt tiến công quân đội Sài Gòn, tạo thành thế trận bao vây thị xã Quảng Ngãi và các thị trấn, thị tứ trong tỉnh, chuẩn bị giải phóng tỉnh nhà. Tôi bám sát Tiểu đoàn pháo binh của Lữ đoàn 52 Quân Giải phóng, sau đó đi theo bộ phận tiền phương của tỉnh, gồm một số đơn vị bộ đội địa phương và du kích các xã vùng ven tiến chiếm thị xã Quảng Ngãi. Đêm 24, rạng ngày 25/3/1975, lực lượng Quân Giải phóng tiến vào thị xã hầu như không gặp sự kháng cự nào đáng kể của Quân đội Sài Gòn. Thị xã gần như bị bỏ ngỏ vì quân Sài Gòn tháo chạy trước khi Quân Giải phóng tiến vào, đến mức trong ngăn kéo phòng làm việc của viên Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Chi khu trưởng Quảng Ngãi, còn nguyên một chiếc phong bì đóng dấu tuyệt mật chưa kịp bóc. Để rồi, tôi là người bóc chiếc phong bì này, trong đó là toàn bộ kế hoạch phòng thủ Chi khu khi bị Cộng sản tiến công!
Ngay rạng sáng ngày 25/3, tôi đã theo chân bộ phận tiền phương của tỉnh tiến vào Dinh Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng quân đội Sài Gòn ở Quảng Ngãi, Đại tá Lê Văn Ngọc. Phòng làm việc của viên Đại tá này hầu như còn nguyên giấy tờ, trên bàn còn cả tấm biển ghi rõ tên họ, cấp bậc và chức danh của y. Tôi cầm tấm biển cho vào ba lô của mình, coi như là “một chiến lợi phẩm” thu được của địch!
Sáng cùng ngày, được một người thợ chụp ảnh chở xe Honda, tôi đi khắp thị xã, đâu đâu cũng thấy giầy, quần áo, nón mũ… của sĩ quan, binh lính Quân đội Sài Gòn vứt bừa bãi trên hè, trên đường. Từ thị xã Quảng Ngãi, chiếc xe đưa tôi qua cầu Trà Khúc, đi ngược về phía Chu Lai, căn cứ khổng lồ của quân Mỹ trước đây, nơi nhiều lính Sài Gòn tháo chạy trong đêm, kéo theo cả gia đình cùng chạy. Lác đác trên đường vẫn còn một vài xác chết của binh lính Sài Gòn chưa kịp đưa đi chôn cất. Gần trưa, bắt đầu thấy nhiều người dân quay trở về nhà...
Tác giả (người đeo máy ảnh) cùng đồng đội tại Quảng Ngãi, tháng 2/1975. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Chiều hôm ấy, tôi viết bài báo đầu tiên, có tiêu đề: “Thị xã Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng!”, đưa cho điện báo viên của Ban Tuyến huấn tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh mooc-xơ về Đài minh ngữ của Ban Tuyên huấn Khu ủy V để điện báo viên của TTXGP chuyển tiếp về Hà Nội. Mở đầu bài viết của tôi là dòng chữ: “Tôi viết những dòng này trên bàn làm việc của Đại tá, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Quảng Ngãi Lê Văn Ngọc. Thị xã Quảng Ngãi đã hoàn toàn giải phóng!”. Bài báo của tôi đã được báo Nhân Dân và Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Giải phóng sử dụng.
Đầu giờ chiều ngày 26/3/1975, tôi đến Ban Quân quản nhờ người chở vào quê của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Ông Trưởng Ban gọi một người đàn ông đến giao nhiệm vụ, cử thêm một chiến sĩ Quân Giải phóng đi cùng tôi. Người đàn ông đó hơi đứng tuổi nhưng cử chỉ và điệu bộ rất nhanh nhẹn mời tôi lên chiếc xe Zip của Mỹ mà quân Sài Gòn trước đây thường sử dụng, rồi cầm lái. Anh kể, anh vốn là thiếu tá quân Sài Gòn ở Tiểu khu Quảng Ngãi, nhưng có ông chú theo Quân Giải phóng nên có cảm tình với cách mạng. Trong đêm Quân Giải phóng nổ súng tiến công thị xã Quảng Ngãi anh về nhà, thay quần áo làm một dân thường, không bỏ chạy như các binh sĩ khác của Quân Sài Gòn. Sáng ngày 25/3, anh ra “trình diện” Quân Giải phóng, xin được làm việc cho cách mạng. Anh ta đã lái chiếc xe Zip này chở cán bộ, chiến sĩ Quân Giải phóng đến tiếp quản một số công sở của chính quyền Sài Gòn tại Quảng Ngãi. Còn bây giờ, anh nói rất vui khi được chở nhà báo giải phóng về quê của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Đức Tân là một xã không lớn, nằm gần Quốc lộ 1A, cách thị xã Quảng Ngãi hơn 20 km về phía Nam. Người dân nơi đây rất vui mừng đón các chiến sĩ Quân Giải phóng về thăm quê của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngôi nhà của gia đình Thủ tướng không lớn, một nửa mái lợp ngói, một nửa mái lợp rạ. Người dẫn chúng tôi đến thăm nhà của Thủ tướng nói, ngôi nhà này bị pháo bắn trúng nhiều lần nên mái nhà mới lợp nửa ngói nửa rạ như thế. Ngôi nhà ấy được giao cho một người cháu họ ở và trông nom, đồ đạc rất đơn sơ, chỉ có án thờ, chiếc tràng kỷ và một tấm phản.
Sau này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư, tôn tạo ngôi nhà và xây dựng nhiều công trình khác trên diện tích hơn 20.000 m² thành Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trưng bày nhiều kỷ vật của gia đình được giữ lại từ hàng chục năm, gắn với đời hoạt động của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đồng thời, tại đây cũng trưng bày một số hình ảnh thể hiện tình cảm của ông đối với quê nhà.
Trở lại thị xã Quảng Ngãi, tôi mượn của Ban Quân quản một chiếc xe Honda 67, dắt xe vào sân vận động Quảng Ngãi tập để ngày hôm sau đèo anh Thanh Tụng, phóng viên ảnh về Sơn Mỹ viết bài và chụp ảnh. Sơn Mỹ là mảnh đất đau thương mà các chiến sĩ Quân Giải phóng và người dân, không chỉ ở Quảng Ngãi mà ở cả trong nước và ngoài nước đều biết đến là nơi quân Mỹ đã gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai (ngày 16/3/1968), giết chết 504 người dân tại đây, làm chấn động lương tri của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Chúng tôi là hai nhà báo đầu tiên của TTXGP có mặt tại Sơn Mỹ sau ngày mảnh đất ấy được giải phóng. Về đây, chúng tôi được gặp nhiều bà con Sơn Mỹ, trong đó có những bà con thoát chết trong vụ thảm sát man rợ của quân Mỹ và nhiều bà con từ các nơi khác mới trở về sau khi quê hương được giải phóng.
Từ Sơn Mỹ, tôi đã viết bài báo: “Về Sơn Mỹ giải phóng”, ghi lại hình ảnh cảm động và niềm vui vô hạn của người dân nơi đây sau ngày chiến thắng. Bài báo có đoạn: “Tôi rời Sơn Mỹ trong niềm vui và tự hào chung của bà con nơi đây giữa những ngày quê hương được giải phóng. Hơn 6.000 người dân Sơn Mỹ đang sôi nổi bước vào những ngày xây dựng lại quê hương sau nhiều năm bị địch tàn phá và kiên cường chiến đấu để giữ vững thành quả cách mạng đã đạt được…”.
Chỉ bốn ngày sau khi giải phóng thị xã Quảng Ngãi, ngày 29/3/1975 Quân giải phóng miền Trung Trung bộ đã tiến đánh và giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Cũng chỉ một tháng sau đó, ngày 30/4/1975, với thế đánh như chẻ tre, Quân giải phóng miền Nam từ các hướng đã tiến công, giải phóng thành phố Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhớ lại ngày “vui sao nước mắt lại trào” ấy, tôi tự hào được làm một phóng viên của TTXGP có mặt trên chiến trường miền Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, được chứng kiến những giờ phút lịch sử vẻ vang của dân tộc không thể nào quên.
Dương Đức Quảng
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí – Văn phòng Chính phủ