Mỹ và đồng minh đang ngày càng lo lắng về quan hệ gần gũi hơn giữa Nga-Triều Tiên. (Nguồn: NK News) |
Trang tin UNN của Ukraine đưa tin, theo ông Miller, hiện Mỹ đang phối hợp với các đối tác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Anh để ban hành lệnh trừng phạt mới trong tháng này.
Trước đó, trong buổi họp báo trực tuyến ngày 2/5, Điều phối viên về truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Nga đã cung cấp cho Triều Tiên hơn 165.000 thùng dầu tinh chế chỉ trong tháng 3 vừa qua nhằm đổi lấy việc Bình Nhưỡng cung cấp tên lửa đạn đạo.
Theo Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mỗi năm Bình Nhưỡng chỉ được nhập khẩu lượng dầu tinh chế không quá 500.000 thùng.
Do đó, ông Kirby ước tính, nếu Moscow và Bình Nhưỡng tiếp tục các hoạt động giao dịch không có điểm dừng như hiện nay thì lượng dầu tinh chế mà Triều Tiên nhập khẩu trong năm nay có thể sẽ vượt quá quy định.
Trong khi đó, cùng ngày, theo tuyên bố chung của các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Australia và Nhật Bản ở Hawaii, các bên đã bày tỏ phản đối về quan hệ hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Triều Tiên và Nga, bao gồm cả các giao dịch vũ khí.
Yonhap dẫn tuyên bố này cho hay, họ cũng "bày tỏ quan ngại sâu sắc về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên".
Những tuyên bố trên được đưa ra bất chấp việc Nga mới đây khẳng định, "những cáo buộc chống lại Moscow và Bình Nhưỡng trong hợp tác quân sự là vô căn cứ".
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moscow đang xây dựng quan hệ với Bình Nhưỡng trên cơ sở lợi ích chung, "không nhằm mục đích chống lại các nước thứ 3 và không đe dọa đến an ninh trong khu vực và thế giới nói chung”.